A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện một số nhiệm vụ ngành Nông nghiệp và PTNT

Chiều ngày 31/7/2024, tại Hội trường tầng 3 - Khu B - Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện một số nhiệm vụ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Tấn Liêm - TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các đơn vị, phòng chức năng thuộc Sở; đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Kon Tum. Về phía đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Đà Nẵng có đồng chí Nguyễn Đăng Huy - Giám đốc Sở, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, cùng đại diện các phòng chức năng thuộc Sở.

Quang cảnh Hội nghị

 Tại Hội nghị, đại biểu hai bên cũng đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp của địa phương cũng như mong muốn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau về lĩnh vực phát triển nông nghiệp; nghiên cứu, triển khai các mô hình hiệu quả về khuyến ngư, khuyến nông lâm và chương trình khuyến nông; về cơ chế, quản lý hoạt động khuyến nông viên cơ sở, Tổ khuyến nông cộng đồng và Hội quán trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Hiện nay, diện tích các loại Cây trồng có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 16.878,7 ha. Các sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao đạt năng suất và chất lượng cao, dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đã hình thành và công nhận 02 vùng và 02 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt. Các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh theo xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng: VietGAP, hữu cơ, Global GAP, UTZ, Fairtrade Certificate... ngày càng nâng lên về số lượng. Đến nay diện tích áp dụng theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đạt gần 800 ha. Các công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực trên địa bàn tỉnh như: nhà màng, nhà kính, công nghệ tự động, bán tự động trong tưới nước, bón phân, phun thuốc bằng máy bay (Drone), ứng dụng các giống mới, sản xuất giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật,...

Đối với lĩnh vực chăn nuôi hiện tại trên địa bàn tỉnh có 142 trang trại, hộ chăn nuôi. Trong đó có 31 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín, có hệ thống làm mát về mùa hè và sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt thông gió, có hệ thống xử lý chất thải tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn về chăn nuôi; Lĩnh vực thủy sản đang tiến hành nuôi thử nghiệm nuôi cá trên cạn bằng bể nhựa HDPE và mô hình nuôi cá Niên để sản xuất giống bằng phương pháp nhân giống vô tính nhằm phục vụ nhu cầu nuôi cá Niên thương phẩm trong và ngoài tỉnh.

Toàn tỉnh hiện nay có 03 hợp tác xã nông nghiệp được cấp 06 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 73,32 ha; 02 Hợp tác xã, tổ hợp tác được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa với diện tích 20 ha; có 43 hợp tác xã, tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản xuất nông sản với diện tích 361,9 ha. Một số mô hình Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Mô hình khuyến nông phát triển cây dược liệu trồng sâm dây hướng hữu cơ ở vùng Đông Trường Sơn, quy mô 1-2 ha/năm nhằm hướng dẫn người dân biết áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm dây có bón phân hữu cơ để nâng cao thu nhập cho nhân dân, hạn chế việc khai thác cạn kiệt nguồn dược liệu tự nhiên, năng suất mô hình đạt 2,8 - 3 tấn củ/ha, tăng hơn 15% so với người dân tự trồng.

Mô hình Hội quán đã thành lập 06 Hội quán với tổng số 141 thành viên tham gia. Hiện nay các Hội quán trên địa bàn tỉnh duy trì việc sinh hoạt định kỳ, các thành viên Hội đã chia sẻ kinh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, phương pháp quảng bá, liên kết của các thành viên cùng nhau làm du lịch...

Kon Tum có 242 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao còn hiệu lực ( 01sản phẩm 5 sao, 08 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, 19 sản phẩm 4 sao, 214 sản phẩm 3 sao) với 108 chủ thể ( gồm: 25 doanh nghiệp, 42 Hợp tác xã, 38 hộ kinh doanh và 03 Tổ hợp tác). Sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh là sản phẩm được chế biến từ dược liệu ( trong đó chủ yếu là từ Sâm Ngọc Linh, Đẳng Sâm và các loài dược liệu khác) với trên 80 sản phẩm.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đang được vận hành hiệu quả như: Phần mềm theo dõi cập nhật diễn biến tài nguyên rừng; Phần mềm phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm tra rừng cài đặt trên SmartPhone; Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam; Phần mềm CSDL quản lý năng lực giám sát và đánh giá ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Phần mềm quản lý vùng nguyên liệu.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm và tặng quà

Qua Hội nghị, nhằm mục đích cung cấp các thông tin, định hướng chính sách về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trao đổi các giải pháp khoa học công nghệ nhằm khai thác và phát triển lĩnh vực phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế vùng miền, địa phương; phối hợp, liên kết trong việc xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, OCOP, chủ lực, đặc trưng giữa 02 địa phương; tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển.

                                                                                                Huỳnh Thị Hiệp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 108
Hôm qua : 307
Năm 2024 : 154.802
Năm trước : 296.797
Tổng số : 742.109