Kon Tum làm việc với Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai
Quang cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, trong các tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra một số trận mưa lớn kèm theo gió lốc, giông sét đã làm 02 người chết; bị thương 06 người; 311 nhà bị ảnh hưởng, hư hỏng và tốc mái; 06 điểm trường học bị hư hỏng tốc mái, 03 nhà văn hóa bị thiệt hại; 176 ha cây trồng bị hư hại, ngập lụt, bồi lấp; 54 con gia súc bị chết, nước cuốn trôi; các tuyến đường giao thông Quốc lộ, Tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông, với khối lượng sạt lở hơn 100.000m3, 27 điểm gây ách tác giao thông, làm đổ gãy 07 trụ điện, 13 hạng mục công trình thủy lợi, 01 công trình nước sinh hoạt bị xói lở, hư hỏng, bồi lấp, ... Giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm 2018 đến nay khoảng 57,6 tỷ đồng.
UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo kịp thời các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, bố trí nơi ở an toàn và ổn định đời sống, sản xuất; sửa chữa công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng,….
Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sớm khắc phục như: Công tác thông tin, tuyên truyền, theo dõi nắm tình hình vụ việc và thực hiện chế độ báo cáo của các cấp, các ngành có lúc chưa kịp thời; việc công tác phối hợp chưa chặt chẽ; nhận thức về phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố, cứu hộ, cứu nạn của một bộ phận cán bộ, người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa thật đầy đủ, vẫn còn tư tưởng chủ quan, đơn giản, thiếu kỹ năng ứng phó trong việc sơ tán người dân khỏi nơi nguy hiểm khi có bão, lũ hoặc có nguy cơ sạt lở đất; điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn nên nguồn kinh phí bố trí cho công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai còn hạn chế....
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Lại Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải. Đồng thời đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai xem xét, hỗ trợ nguồn kinh phí để tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện các dự án di dân khẩn cấp phòng chống lũ quét, sạt lở đất; tăng cường công tác đảm bảo an toàn đập hồ chưa, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đánh giá cao việc triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện của Chính phủ, Trung ương về phòng chống thiên tai của tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên cũng đề nghị UBND tỉnh Kon Tum, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo các cơ quan tham về công tác PCTT và TKCN năm 2018; công tác bảo đảm an toàn thông tin liên lạc giữa các cấp, các ngành; trên cơ sở các dự báo rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; sử dụng hiệu quả Quỹ Phòng chống thiên tai; tự động hóa việc quan trắc khí tượng thủy văn và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khai thác vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện đạt hiệu quả hơn..../.
Bùi Đức Trung