A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo sinh kế cho người dân và cộng đồng bảo vệ rừng thông qua công tác giao đất giao rừng

Rừng giao cho cộng đồng làng Rơ Ngao, Đăk Wơk, Đăk Do, Cơ Tu xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy

Rừng, đất rừng, sông suối là không gian sinh tồn của cư dân bản địa từ ngày xưa đến nay, người dân dựa vào không gian này để làm nương rẫy, làm nhà ở, làm vườn trại chăn thả gia súc gia cầm, đào ao thả cá… Đồng thời cũng là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, theo quan niệm của người dân địa phương thì các ngọn núi, các khu rừng, hang động, khúc suối, dòng sông, thác nước … đều có thần linh làm chủ. Đặc biệt người đồng bào dân tộc có bề dày kinh nghiệm trong việc dùng các loại cây rừng làm thuốc chữa bệnh, làm thức ăn, nấu nước uống, làm vật gia dụng. Có nhiều bài thuốc chữa được bệnh nan y, cứu sống nhiều người trong và ngoài cộng đồng. Gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ được sử dụng thường xuyên trong cộng đồng như làm nhà, làm dụng cụ sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Từ thực tiễn đó thấy rõ rừng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sinh kế của người dân, có thể khẳng định cuộc sống của cộng đồng cư dân không thể thiếu đất và rừng. Bảo vệ rừng, phát triển rừng gắn với phát triển sinh kế của người dân cụ thể là các cộng đồng dân tộc thiểu số vào tiến trình quản lý rừng là hết sức cần thiết. Trong đó giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn sẽ mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ được vốn rừng hiện có, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích được giao, gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư thôn, hạn chế phát rừng làm nương rẫy, nâng cao đời sống của người dân được giao đất, giao rừng, góp phần xóa đói nghèo ở vùng cao.

Thực hiện chương trình giao đất, giao rừng theo các chương trình, dự án: Theo Nghị định số 163/NĐ-CP, Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg, Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg, Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng, theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, Dự án JICA (Nhật Bản), Chương trình hỗ trợ giao đất giao rừng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum phối hợp với Viện CODE, Trung tâm CIRUM thực hiện, giao đất, giao rừng theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, Quyết định số 1264/QĐ-UBND ngày 18/11/2011 của UBND tỉnh Kon Tum. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện công tác giao đất, giao rừng theo các chương trình, mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 73.417,1 ha cho 5.798 hộ gia đình và 23 cộng đồng thôn, làng.

Trong đó chương trình giao đất, giao rừng, phục hồi rừng, phát triển sinh kế rừng gắn với văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường sinh thái tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, xã Pờ Ê, Đăk Ring, huyện Kon Plong với các phương pháp tiếp cận mới: phương pháp tiếp cận sinh kế, sinh thái, văn hóa gắn với rừng và đất rừng của cộng đồng các dân tộc tại chổ; phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng; phương pháp tiếp cận lòng gép luật tục và luật pháp đã thực sự đã mang lại hiệu quả rừng được bảo vệ tốt, thực sự tạo sinh kế từ rừng cho người dân nơi đây.

Các hộ tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng được giao 

Điển hình như mô hình giao đất giao rừng bảo vệ nguồn nước cho 4 cộng đồng làng Ka Bầy, Đăk Wơk, Đăk Do, Cờ Tu, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy với diện tích 86,1ha (từ năm 2013 đến năm 2016), cung cấp hơn 2000 cây lâm nghiệp bản địa như Trắc, Hương, Cẩm Lai, Sao Đen… cho người dân trồng bổ sung vào rừng đầu nguồn; thí điểm trồng Sa nhân tím dưới tán rừng với khoảng 5.000 cây; hỗ trợ làng Ka Bầy xây dựng vườn ươm cây bời lời với khoảng 20 nghìn cây để trồng phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường vừa tạo thêm thu nhập cho người dân.

Với việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, tổ chức liên kết bảo vệ rừng, phục hồi rừng, phát triển sinh kế rừng chương trình đã hỗ trợ giao 675 ha đất rừng, hỗ trợ thiết lập 04 vườn ươm cho cộng đồng 4 làng Violak, Vik’Lâng 2, Vi Pờ Ê 2, Vi K’ Oa, xã Pờ Ê; hỗ trợ thí điểm trồng Sa nhân tím với khoảng 5.000 cây, cải tạo nâng cấp hệ thống nước sạch ở làng Đăk Sao, xã Đăk Ring, huyện Kon Plong.

Ngoài ra, chương trình giao đất giao rừng đã góp phần ngăn chặn được tình trạng phá rừng làm nương rẫy và khai thác vàng sa khoáng ven các suối đầu nguồn; công tác bảo vệ rừng được tổ chức thành mạng lưới liên kết giữa các làng, rừng đang được phục hồi hiệu quả để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, canh tác cho cộng đồng; cộng đồng có không gian thực hành các nghi lễ tín ngưỡng, lễ hội văn hóa gắn với rừng như (các nghi lễ liên quan đến Thần nước), duy trì và phát huy có hiệu quả phong tục tập quán, văn hóa truyền thống gắn với rừng (Luật tục), truyền thống về quản lý tài nguyên. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ rừng, phục hồi rừng kết hợp phát triển sinh kế rừng.

Ngoài việc được hỗ trợ từ các Chương trình trên, hàng năm căn cứ kết quả quản lý bảo vệ và phát triển rừng đối với những diện tích rừng nằm trong lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng nơi đây còn có thêm nguồn thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (Theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010). Đây được xem là động lực lớn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Với chính sách này đã tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho người dân tham gia nhận đất nhận rừng thuộc lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng, từ đó nâng cao trách nhiệm quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển diện tích rừng được giao.

Từ hiệu quả từ 2 mô hình giao đất, giao rừng cho cho cộng đồng tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy và xã Pờ Ê, Đăk Ring huyện Kon Plong nói trên, để tiếp tục đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian tới tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục giao rừng gắn với hỗ trợ các cộng đồng, hộ gia đình phát triển kinh tế rừng với diện tích 1.374,5 ha tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi và xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum (đã được UBND tỉnh  Kon Tum phê duyệt tại Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 03/01/2018).

Có thể nói thực hiện giao đất giao rừng cho người dân và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum bước đầu đã có hiệu quả nhất định, chính sách giao đất, giao rừng và cấp sổ đỏ lâm nghiệp cho hộ gia đình và cộng đồng đã tạo tâm lý phấn khởi cho người dân, tạo điều kiện cho các chủ rừng chủ động đầu tư, canh tác trên mảnh đất của mình, phát huy mọi nguồn lực phát triển sản xuất lâm nghiệp trên đất, rừng được giao nhằm hướng đến mục tiêu chung là rừng phải có chủ thật sự và chủ rừng phải sống được bằng nghề rừng. Công tác giao đất, giao rừng theo các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum từ trước đến nay là nền tảng cho việc xã hội hoá nghề rừng, huy động các nguồn lực là các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn, làng tham gia bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có, phát huy tối đa lợi thế của rừng, sử dụng tiềm năng lao động ở địa phương để bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống người dân miền núi, xây dựng nông thôn mới./. 

Bùi Đức Trung


Tác giả: trung kt
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 109
Hôm qua : 994
Năm 2024 : 54.786
Năm trước : 296.797
Tổng số : 642.093