Từng bước xây dựng nông thôn mới thông minh
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh ta tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Ngày 11/4/2023 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1047/KH-UBND về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp Trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 80% số xã trở lên đạt chuẩn tiêu chí về Thông tin và Truyền thông; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên trong tiêu chí 15 về Hành chính công của xã nông thôn mới nâng cao; trên 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự- Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; từ 70% xã trở lên có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực; 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu…
|
Trên cơ sở kế hoạch, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021- 2025 của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ cơ sở, người dân về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ và kết nối mạng internet đến các xã, thôn…
Đến nay, việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Chính quyền số được triển khai đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến xã các nền tảng dùng chung như hệ thống quản lý văn bản và điều hành https://kontum.vnptioffice.vn; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Thực hiện phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, toàn tỉnh đã có 62% số xã trên địa bàn có các hợp tác xã, 6 huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực; trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 166/334 cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí thanh toán không dùng tiền mặt.
Toàn tỉnh có 116.656 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử; 143.472 hộ được đào tạo kỹ năng số, có 2.651 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử.
|
Riêng sàn thương mại điện tử tỉnh Kon Tum có địa chỉ http://kontumtrade.gov.vn có 349 tổ chức, cá nhân tham gia, 588 sản phẩm của tỉnh được quảng bá giới thiệu sản phẩm; đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống Hội chợ trực tuyến tỉnh Kon Tum có địa chỉ chỉ http://hoichokontum.vn nhằm cung cấp các thông tin về hội chợ trong và ngoài nước, giới thiệu quảng bá các sản phẩm của địa phương, tham quan các gian hàng trực tuyến ảo. Nền tảng giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh đã dần tiếp cận đến các xã, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở khu vực nông thôn.
Đối với việc xây dựng thôn thông minh, xã thông minh, hiện nay, các ngành, đơn vị phối hợp với huyện Đăk Hà đang triển khai mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh đối với xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà). Thành phố Kon Tum và các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Ia H’Drai cũng tập trung nguồn lực để xây dựng 7 thôn thông minh theo kế hoạch được UBND tỉnh giao.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 thôn là thôn 3, xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) đảm bảo đủ điều kiện là mô hình thôn thông minh; 2 thôn gồm thôn 2, xã Hà Mòn và thôn 3, xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện về thôn thông minh. Theo lộ trình, đến năm 2025, tất cả 7 thôn đạt chuẩn thôn thông minh.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, một số chính quyền địa phương còn lùng túng trong triển khai nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ chuyển đổi số thiếu kỹ năng trong thực hiện nhiệm vụ; việc phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy kinh tế số, hạ tầng số còn khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Xây dựng nông thôn mới thông minh là giải pháp để thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa- xã hội của người dân khu vực nông thôn, từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Thiên Hương