Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
Chuyển đổi số là quá trình ứng dụng kỹ thuật số tiên tiến ở cấp độ cao, thay thế cho phương thức ứng dụng dữ liệu truyền thống nhằm tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ về giá trị sản xuất cho xã hội, theo hướng tích cực. Lĩnh vực nông nghiệp không nằm ngoài công cuộc chuyển đổi số, nếu đi chệch xu hướng phát triển tất yếu này thì đồng nghĩa đang thụt lùi.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chuyển đổi số tạo ra 3 xu thế mới.
Một là, bỏ qua trung gian.
Thứ hai, chuyển đổi số sẽ tạo ra xu thế phi tập trung hóa, giúp nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu đến hộ nông dân, thậm chí đến từng cây, con. “Giải pháp là các doanh nghiệp cung cấp công nghệ, thông tin như một dịch vụ theo yêu cầu cho các hộ, với giá phù hợp mà các hộ có thể tiếp cận”.
Thứ ba, chuyển đổi số sẽ tạo ra xu thế phi vật thể hóa. Theo đó, chuyển đổi số sẽ hình thành một phiên bản số của thế giới thực, tức là số hóa đất đai, môi trường, cây trồng, vật nuôi,… Sau đó, các hoạt động quy hoạch, mô phỏng, đánh giá, phân định sẽ được thực hiện trên thế giới ảo một cách nhanh nhất, tác động trở lại một cách thực chất, hiệu quả và tối ưu.
Tưới công nghệ cao
Tỉnh Kon Tum là một tỉnh nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có tiềm năng sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp được tỉnh xác định là ngành kinh tế chủ lực. Do đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang được tỉnh chú trọng quan tâm, nhằm giúp nâng cao năng suất, lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất và đem lại nhiều cơ hội phát triển; kết nối nông dân với các tổ chức chế biến, thương mại và người tiêu dùng trên toàn thế giới; mang lại cho ngành nông nghiệp một phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh hiện đại, chất lượng cao, khai thác hiệu quả tiềm năng vốn có của địa phương.
Những năm gần đây, bức tranh nông nghiệp số của tỉnh đã và đang phát triển mạnh mẽ. Trong đó, phải kể đến công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, hình thành những mô hình ứng dụng công nghệ tự động hóa ở mức thông minh.
Hệ thống cho lợn ăn tự động
Sản phẩm nông nghiệp khá phong phú về chủng loại; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; nhiều nông sản đã được cấp giấy chứng nhận OCOP. Hệ thống quản lý và tổ chức sản xuất nông nghiệp dần kiện toàn từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã có nhiều sáng tạo, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mạnh dạn trong đổi mới sáng tạo.
Để nông nghiệp số thực sự "cất cánh" phát triển, ngành nông nghiệp tỉnh cần hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu vật lý ảo, làm cơ sở để ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng internet kết nối vạn vật vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp (hệ thống cảm biến tạo dữ liệu đầu vào liên tục theo thời gian; internet kết nối thông tin các đối tượng; ứng dụng thông minh tự động hóa phân tích dữ liệu theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp). Phát triển các phần mềm ứng dụng chuyên sâu cho ngành nông nghiệp, trên cơ sở ứng dụng học máy để phân tích dữ liệu, nhận định diễn biến và khuyến cáo cho người quản lý, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp./.
Nguyễn Mạnh Hùng