Thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Mục tiêu này cũng đang được các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh, với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.
Ứng dụng công nghệ số là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển, là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tạo 3 trục sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh.
Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ… Bên cạnh đó, việc sử dụng internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa công tác thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp.
Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp được đẩy mạnh như hình thành hệ thống các cơ sở dữ liệu, thông tin thống kê phân tích, dự báo, giúp công tác quản lý ngành ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng.
Một số khó khăn, hạn chế
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ hỗ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng; diện tích canh tác nhỏ; dự báo sản lượng các sản phẩm nông nghiệp vẫn chủ yếu bằng kinh nghiệm; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế; nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số của người nông dân chưa cao.
Theo ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn rải rác, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ. Nông nghiệp thông minh và công nghệ cao cần phải đầu tư hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn các hộ không đủ điều kiện để đầu tư.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn còn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; các tiêu chí về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng chưa được ban hành. Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn hạn chế.
Quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Đại dịch Covid-19 là cú hích mạnh đối với hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến, thị trường nông sản diễn ra rất nhanh trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn xuất phát từ đặc điểm của vùng sản xuất địa lý. Ví dụ như miền Bắc, quy mô nhỏ, lẻ, manh mún rất khó để tổ chức sản xuất quy mô công nghiệp. Tỷ lệ già hóa lao động nông nghiệp rất nhanh do người trẻ thường ưu tiên đi làm ở thành phố, khu công nghiệp… Do đó, hiện vẫn thiếu những chính sách đủ hấp dẫn để lao động trẻ quay về với nông nghiệp. Nếu người trẻ xa rời nông nghiệp thì rất khó để đạt mục tiêu chuyển đổi số đã đặt ra.
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp
Ông Đặng Duy Hiển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Theo đó, cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó ưu tiên về đất trồng lúa, đất rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để giúp người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, cũng như hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số. Đặc biệt, cần xem xét thử nghiệm sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dung công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Bên cạnh đó, cần tăng cường thực hiện chuyển đổi số, chính phủ điện tử trong công tác quản lý để đề xuất và thực thi các chính sách, chỉ đạo điều hành hệ thống, hệ sinh thái nông nghiệp hiệu lực, hiệu quả, thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và trong điều kiện ứng phó nhanh với tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, như dự báo, cảnh báo thị trường, thông tin kết nối cung - cầu phát triển thị trường nông sản.
Để chuyển đổi số nông nghiệp thành công cần đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất. Hàng hóa nông sản của Việt Nam trên thị trường hiện chủ yếu do người nông dân sản xuất ra. Người nông dân ngày càng sử dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất cho hiệu quả năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn, đưa nền nông nghiệp Việt Nam dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. Để thích ứng với chuyển đổi số, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người nông dân là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa. Người nông dân ngoài chủ động học hỏi nâng cao vai trò của người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp, có thể chủ động lên sàn, giao lưu với người mua, giới thiệu những đặc tính khác biệt của sản phẩm để có giá trị cao hơn.
Bên cạnh yếu tố về nhân lực, vốn là một trong những vấn đề then chốt giúp chuyển đổi số ngành nông nghiệp thành công. Hiện nay, đã có nhiều chính sách hấp dẫn nhưng khi đưa vào thực thi vẫn còn tồn tại ràng buộc về hành chính như 10% nguồn thu của doanh nghiệp được đầu tư cho đổi mới sáng tạo nhưng đổi mới sáng tạo là gì vẫn chưa định hình rõ làm cho các doanh nghiệp lúng túng khi sắp xếp nguồn vốn. Vì vậy, nên để cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, sau đó đưa ra chính sách hỗ trợ như chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp… giúp doanh nghiệp chủ động và có đủ nguồn lực tài chính đầu tư vào công nghệ. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng cần công bố kế hoạch phát triển ngành sớm, chi tiết và rõ ràng.
Nguyên Hương