A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng vụ Đông xuân 2022-2023

Ngày 22/10/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum ban hành văn bản số 3160/SNN-TT&BVTV, về việc ban hành Hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng vụ Đông xuân 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Hướng dẫn Bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng vụ Đông xuân 2022 – 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum cụ thể như sau:
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, từ nay đến cuối năm 2022 khả năng có từ 1 - 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thời tiết tỉnh Kon Tum, tập trung trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 10 đến tháng 11 năm 2022, gây mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Mùa mưa năm 2022 có khả năng kết thúc muộn hơn so với quy luật chung nhiều năm, vào đầu tháng 11 ở khu vực phía Tây Nam và phía Nam Tỉnh, giữa tháng 12 ở khu vực phía Đông và Đông Bắc Tỉnh. Tổng lượng mưa từ giữa tháng 10/2022 đến 01/2023, khu vực Tây Nam và phía Nam tỉnh đạt từ 200 – 300 mm, ở mức xấp xỉ và cao hơn so với TBNN; khu vực phía Đông và Đông Bắc tỉnh đạt từ 300 – 500 mm, ở mức cao hơn so với TBNN, tập trung chủ yếu trong tháng 10, 11/2022.
Nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn tỉnh có khả năng đạt xấp xỉ và cao hơn TBNNCK trong thời gian từ cuối tháng 10 đến tháng 11/2022, đạt xấp xỉ TBNNCK trong thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 01/2023. Từ cuối tháng 12/2022 đến tháng 01/2023 có nguy cơ xảy ra rét kèm theo mưa nhỏ ở khu vực các huyện Kon Plong, Tu Mơ Rông và các xã phía Bắc, Đông Bắc huyện Đăk Glei. Từ tháng 02 đến tháng 4/2023 có một số ngày xảy ra nắng nóng khu vực giữa và Tây, Tây nam tỉnh và các trận mưa dông,tố lốc, sấm sét và mưa đá. Khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra ở TP Kon Tum và các huyện Đắk Hà, Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Rẫy, Đăk Tô từ giữa tháng 02-04/2023.
Để cây trồng vụ Đông xuân 2022 – 2023, sinh trưởng, phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao, hạn chế thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng các cây trồng chính trong vụ Đông xuân 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum như sau:
1. Cây lúa nước:
- Khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho phép sản xuất kinh doanh, phù hợp với điều kiện các tiểu vùng sinh thái của tỉnh; có nguồn cung ứng giống lúa chủ động; có năng suất, chất lượng, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn và sâu bệnh.
- Các địa phương lưu ý hạn chế sử dụng nhiều chủng loại giống, chỉ sử dụng 02-04 giống lúa thuần, 02-03 giống lúa lai để sản xuất.
1.1. Đối với vùng Tây Trường Sơn:
1.1.1. Giống chủ lực: HT1, BC15, RVT TBR45, TBR 36, Nhị ưu 838, Đài thơm 8,...
1.1.2. Giống bổ sung: VD 20, Nghi hương 2308, TBR 36, VNR 20, Hương cốm, ST24, ST25,...
1.1.3. Thời vụ gieo cấy:
- Lúa cấy: Thời gian gieo mạ từ ngày 05-20/12/2022 và cấy từ ngày 25/12/2022-15/01/2023.
- Lúa sạ: Thời gian sạ từ 10/12/2022- 05/01/2023.
1.2. Đối với các xã vùng Đông Trường Sơn:
1.2.1. Giống chủ lực:
Các xã vùng Đông Trường Sơn ở huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông thường cấy lúa sớm nên sử dụng những giống lúa chịu lạnh, thời gian sinh trưởng ngắn, trung ngày, năng suất cao, chịu phèn và chống chịu sâu bệnh như: VND 95-20, IR64, IR56279, ...
1.2.2. Thời vụ gieo cấy:
- Đối với lúa cấy: Thời gian gieo mạ từ ngày 15-30/11/2022, cấy từ ngày 10-20/12/2022.
- Đối với lúa sạ: Thời gian sạ từ 01/12/2022- 20/12/2022.
Trên cơ sở khung thời vụ chung và cơ cấu giống lúa khuyến cáo của tỉnh, các huyện, thành phố tùy theo điều kiện cụ thể, đặc điểm từng tiểu vùng và thực tiễn sản xuất của địa phương để xây dựng lịch thời vụ và xác định cơ cấu giống lúa cho phù hợp.
1.3. Một số biện pháp cần lưu ý để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi trong vụ Đông xuân 2022 - 2023:
- Hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng bằng biện pháp cày bừa kỹ, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước và khuyến cáo nông dân nên bón vôi cải tạo đất đối với những chân ruộng bị chua, phèn. Cần có biện pháp chống rét cho mạ như bón tro và lân trước hoặc sau khi gieo mạ; ngưng bón đạm cho mạ và đưa nước vào ruộng từ 7-10 cm; đồng thời, tạm dừng gieo mạ, cấy trong thời gian rét đậm, rét hại.
          - Ứng dụng tổng hợp nhiều giải pháp kỹ thuật trong canh tác, chú ý biện pháp quản lý nước trong kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” Cụ thể: 1 phải: Phải sử dụng giống lúa xác nhận; 5 giảm: (1) Giảm lượng giống (lượng giống gieo từ 80-120kg/ha đối với lúa thuần và 40 kg/ha đối với lúa lai); (2) giảm phân đạm (dùng bảng so màu lá lúa để bón đạm); (3) Giảm thuốc bảo vệ thực vật (sử dụng thuốc BVTV theo phương pháp “4 đúng”), (4) Giảm nước tưới và (5) Giảm thất thoát sau thu hoạch. Khuyến cáo nông dân áp dụng phương pháp tưới “nông, lộ, phơi” Cụ thể: Phương pháp tưới “nông, lộ, phơi” là sau khi làm đất tháo cạn nước để gieo sạ, tiếp tục để khô 5-7 ngày, sau đó cho nước vào và tăng dần theo chiều cao của lúa để hạn chế cỏ dại. Đối với lúa cấy, khi cấy xong cho nước vào 3- 5 cm để lúa nhanh hồi phục. Khi lúa kết thúc đẻ nhánh thì tháo cạn nước để khống chế lúa đẻ nhánh và để bộ rễ ăn sâu hút tốt hơn các chất dinh dưỡng trong đất. Sau đó cho nước vào bình thường để lúa sinh trưởng và phát triển. Khi lúa bắt đầu chín đỏ đuôi cần rút dần nước cho đến khi lúa chín thì ruộng khô nước để dễ thu hoạch  để tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước; Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI Cụ thể: SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới. Những nguyên tắc kỹ thuật cơ bản của phương pháp này bao gồm: cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ. Tiếp tục thực hiện chương trình phát động của Bộ Nông nghiệp và PTNT về giảm lượng giống gieo sạ: Lúa thuần: 80-100 kg/ha; Lúa lai: 30-40 kg/ha. Bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
- Tập trung chỉ đạo làm đất, lịch gieo sạ phải đảm bảo thời gian cách ly với vụ lúa trước ít nhất 3 tuần để phòng tránh lúa bị ngộ độc hữu cơ, hạn chế nguồn dịch bệnh; chỉ đạo gieo sạ tập trung, đồng loạt theo từng khu vực, từng cánh đồng; rút ngắn khung lịch thời vụ gieo sạ để tiết kiệm nước ngay từ khâu làm đất, hạn chế mức tối đa tình trạng thiếu nước ảnh hưởng đến cây trồng. Đối với những chân ruộng cao không chủ động nước tưới, có khả năng bị hạn vào cuối vụ nên gieo sạ sớm hơn và bố trí các giống ngắn ngày (có thời gian sinh trưởng ngắn như VND 95-20, IR 64,…), chịu hạn để né tránh thiên tai do hạn hán hoặc chuyển sang trồng một số cây trồng khác ít cần nước hơn.
- Chuyển đổi sang cây trồng khác trên đất lúa kém hiệu quả và khả năng thiếu nước phù hợp với điều kiện đất đai, tập quán canh tác và có thị trường ổn định; quy hoạch sản xuất tập trung cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết nguồn nước.
- Hướng dẫn nông dân tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM, khuyến cáo sử dụng thuốc sinh học và hạn chế phun thuốc BVTV sớm (từ gieo đến 45 ngày tuổi). Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố nắm chắc tình hình đồng ruộng và dự tính dự báo kịp thời quy luật phát sinh, phát triển các đối tượng dịch hại như: Rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ trĩ, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh lùn sọc đen, chuột hại, ... có biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng.
2. Cây ngô:
- Đất bố trí trồng ngô vụ Đông xuân 2022-2023: Nên bố trí trồng ngô trên diện tích đất ô nà, bãi bồi ven sông suối hoặc đất không gieo sạ được lúa nước do thường xuyên thiếu nước.
- Các giống ngô: Bố trí các giống ngô nếp địa phương, Nếp nù, VN2, VN6, MX4 để sử dụng ăn tươi hoặc các giống ngô lai có thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày, chịu hạn như CP989, CP999, C919, LVN61, DK 6919, Bioseed 9698, Bioseed 65, V98-2, VN8960,…                                                                                         
- Thời vụ: Trồng ngô rải vụ từ tháng 11/2022 - 30/01/2023.
3. Cây mía:
Tùy theo từng chân đất để bố trí thời vụ và giống cho phù hợp để tạo điều kiện cho cây mía sinh trưởng, phát triển tốt. Bố trí cơ cấu giống và thời vụ trồng mía như sau:
- Các giống: MY55-14, F157, B85-764, Quế đường 15, QĐ86368, VD79-177, VD81-3254, VN85-1859, R570, K88-92, K95-156, KU01-58, ...
- Thời vụ: Trồng từ 20/10/2022 đến 31/12/2022 và có thể trồng rải vụ đến tháng 01/2023.
4. Cây sắn
Khuyến cáo nông dân sử dụng giống sắn đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho phép sản xuất kinh doanh, phù hợp với điều kiện các tiểu vùng sinh thái của tỉnh; có năng suất cao, khả năng tích lũy bột sớm; có thời gian sinh trưởng phù hợp với khung thời vụ gieo trồng, dạng cây thấp, không phân cành, có thể trồng mật độ dày và thâm canh tăng năng suất.
Bố trí sử dụng các hom giống sắn sạch bệnh có năng suất cao, hàm lượng tinh bột cao, ít nhiễm bệnh chổi rồng và bệnh khảm lá sắn do virus như: KM 94, KM 419,...
Sử dụng các dòng giống kháng hoàn toàn với bệnh khảm lá do Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo, gồm: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80 và HN97 năng suất khá (38-64 tấn/ha), tinh bột cao (26-30%); kháng bệnh khảm lá (100%).
- Thời vụ: Từ 20/10/2022 - 15/12/2022.
Đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố khuyến cáo nông dân trồng sắn tuyệt đối phải sử dụng hom giống sắn sạch bệnh khảm lá để trồng trong vụ Đông xuân 2022-2023 theo đúng hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại Công văn số 339/CCTT&BVTV-BVTV&KDNĐ, ngày 24/8/2021 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về hướng dẫn các biện pháp tự sản xuất giống sắn sạch bệnh khảm lá.
5. Cây công nghiệp dài ngày (cao su, cà phê, tiêu,...):
Tập trung chỉ đạo các biện pháp chăm sóc sau thu hoạch; thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch hại, tưới nước tiết kiệm; khuyến khích phát triển các ao hồ nhỏ và chuẩn bị các giải pháp phòng chống hạn trong mùa khô.
Một số lưu ý biện pháp kỹ thuật vườn cây cà phê, cao su, hồ tiêu giai đoạn mùa khô 2022 - 2023 như sau:
* Đối với cây cà phê: Thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện các loại sâu bệnh hại để có kế hoạch phòng trừ hiệu quả như: mọt đục quả, thán thư, vàng lá thối rễ, kiến,...
- Thực hiện vệ sinh vườn cây để chuẩn bị thu hoạch. Sau thu hoạch tiến hành cắt tỉa cành, tạo hình, xác định thời điểm tưới nước lần 1, tưới lần 2, 3, đồng thời tưới bổ sung khi cây có biểu hiện thiếu nước. Yêu cầu tưới đúng và đủ lượng nước, triển khai bón phân mùa khô khi tưới đợt 2.
* Đối với cây hồ tiêu:
- Bón phân đợt 4, 5 với tỷ lệ N:P2O5:K2O là 3:1:3, bổ sung phun phân bón lá chuyên dùng giúp làm giảm tỷ lệ rụng gié, giúp hạt tiêu chắc hơn. Chú ý thoát nước cho vườn tiêu khi có mưa.
- Thường xuyên kiểm tra vườn tiêu để phát hiện các loại bệnh hại nhằm có kế hoạch phòng trừ hiệu quả, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm. Đối với vườn cây bị bệnh chết nhanh, chết chậm, cần giảm lượng phân hoá học, tăng cường sử dụng phân bón lá chuyên dùng và bón phân hữu cơ cho hồ tiêu. Cần tiến hành phun phòng bệnh chết nhanh trên các vùng dễ có nguy cơ bị bệnh.
- Trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày không nên tưới nước. Sau thu hoạch khoảng 15-20 ngày mới tưới nước để kích thích ra hoa. Chú ý tưới nước mùa khô, tưới đủ lượng, không tưới thừa nước, khuyến cáo kết hợp bón phân qua hệ thống tưới. Sau khi thu hoạch cần tiến hành vệ sinh vườn tiêu và cắt tỉa cành hợp lý.
* Đối với cây cao su: Cần lưu ý bệnh phấn trắng thường gây hại ở giai đoạn ra lá non sau thời kỳ cây cao su rụng lá sinh lý (cao điểm bệnh khoảng tháng 02 - 03/2023). Vì vậy cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như bón phân cân đối, phun phòng thuốc trị bệnh phấn trắng ở thời kỳ lá non, khai thác mủ đúng k thuật, vệ sinh vườn cây sạch sẽ sau khi rụng lá.
6. Đối với cây ăn quả, Mắc ca
- Sau khi trồng mới, cần tiến hành kiểm tra, trồng dặm cây bị chết; chỉnh sửa những cây bị nghiêng đổ. Khoảng 30 – 40 ngày sau khi trồng tiến hành phát dọn dây leo, làm cỏ xới đất quanh gốc đường kính 0,8-1m. Lần 2 cách lần 1 từ 40 – 50 ngày. Trước khi bón phân, cần tiến hành làm cỏ, xới đất xung quanh gốc cây.
- Thực hiện cắt tỉa đúng phương pháp và đúng thời điểm giúp cân bằng sinh trưởng cho cây, hạn chế sâu bệnh hại. Tỉa bỏ cành mọc yếu, rậm rạp cần thực hiện thường xuyên. Trên cây chỉ giữ lại 1 số cành tốt mọc từ thân, cho trái đều, hướng đầy đủ ánh sáng, tạo cho cây có tán thấp và cân đối.
- Cắt tỉa tất cả các cành sâu bệnh, cành yếu, cành chết, cành vượt, những cành quá dày, cắt tỉa bớt cành cấp 1 sau khi thu hoạch (nếu số cành cấp 1/cây quá dày) để cây có bộ khung tán cân đối.
- Thực hiện đầy đủ các quy trình chăm sóc và thâm canh đối với từng loại cây ăn quả, Mắc ca theo tiêu chuẩn VietGAP đã khuyến cáo.
7. Khuyến cáo:
Trong vụ Đông xuân 2022 - 2023 có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước xảy ra ở một số nơi, tập trung trong thời kỳ từ tháng 02/2022 đến tháng 04/2023; do vậy, ngay từ thời kỳ đầu vụ, các địa phương cần tích cực tu sửa, gia cố, nâng cấp các hồ đập để nâng cao khả năng tích trữ nguồn nước; đồng thời có kế hoạch bố trí sản xuất hợp lý để hạn chế những khó khăn, thiệt hại do khô hạn, thiếu nước gây ra.
Đồng thời, lồng ghép với việc thực hiện Công văn số 3045/SNN-TT&BVTV, ngày 11/10/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc phối hợp triển khai thực hiện Thông báo số 6744/TB-BNN-TT, ngày 10 tháng 10 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2022; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân 2022 -2023 các tỉnh, thành Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Đề nghị các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để chỉ đạo, bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng phù hợp.
Trên đây là một số hướng dẫn chung của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng vụ Đông xuân 2022 - 2023
Nguyễn Mạnh Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 8
Hôm qua : 347
Năm 2024 : 209.683
Năm trước : 296.797
Tổng số : 796.990