A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sa nhân tím

Sa nhân được biết đến là một loại dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Quả sa nhân được sử dụng để làm thuốc và gia vị, tinh dầu sa nhân được dùng trong cao xoa, hương liệu. Sa nhân được sử dụng nhiều trong nước và được xuất khẩu ra thị trường nhiều nước, đây là loài dễ trồng có thể tận dụng diện tích dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2-3 năm bắt đầu cho thu hoạch.

Ngoài hiệu quả từ kinh tế cây sa nhân trồng dưới tán rừng còn giúp chống rửa trôi và xói mòn đất, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Việc trồng cây sa nhân là một trong những giải pháp góp phần cho việc bảo tồn và phát triển bển vững nguồn lâm sản ngoài gỗ vừa tạo sinh kế lâu dài cho người dân và góp phần xóa đói giảm nghèo nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.

Ở Việt Nam sa nhân được phân thành 16 loại khác nhau, tuy nhiên trong sản xuất có 3 loại sa nhân được gây trồng phổ biến, cho năng xuất và chất lượng tương đối cao, đó là: Sa nhân đỏ (Amomum villosum) với màu hoa đặc trưng với 2 vạch vàng và đỏ. Quả của cây màu đỏ hoặc xanh lục, hình cầu, thời điểm tháng 7 - 8 hàng năm là lúc quả chín, có các u nhỏ nằm trong hạt; Sa nhân xanh (Amomum xanthioides) có thể nhận biết qua màu sắc của hoa là màu trắng, điểm xuyết bởi các đốm tím, quả màu xanh lục, hình trứng và có các gai dầu, bề mặt hạt có u lồi; Sa nhân tím (Amomum longiligulare): hoa màu trắng, phần mép màu vàng và đan xen vạch đỏ tím. Quả của cây hình cầu, nhuộm màu tím nhưng lẫn với các đốm trắng trông rất giống bị mốc, có gân ngoài quả.

Sa nhân là một trong những loài dược liệu có giá trị kinh tế và y tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020 - 2030 theo Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20/8/2019 của Bộ Y tế. Sa nhân tím có tên khoa học Amomum longiligulare T.L.Wu,  còn có tên gọi khác là cây Mè tré bà, co nẻnh (Thái), mác nẻng (Tày), sa ngần (Dao), pa đoóc (K’Dong), la vê (Ba Na).

Trong những năm gần đây, tỉnh Kon Tum đã tổ chức thực hiện các mô hình thí điểm trồng Sa nhân tím dưới tán rừng bước đầu có những kết quả nhất định (xã Hòa Bình - Thành phố Kon Tum; xã Sa Loong - huyện Ngọc Hồi; huyện Sa Thầy, huyện Đăk Hà...). Để năng cao năng suất và chất lượng dược liệu, cần chú ý một số vấn đề sau:

Về nguồn gốc, phạm vi phân bố: Sa nhân tím có vùng phân bố từ đảo Hải Nam Trung Quốc, đến vùng trung Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, sa nhân tím phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Ở phía Bắc, sa nhân có trồng rải rác ở các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Hòa Bình, Hải Dương.

Đặc điểm hình thái: Cây thảo sống lâu năm, cao 1,5 - 2,5 m. Thân rễ mọc bò lan trên mặt đất. Lá mọc so le thành 2 dãy, hình mác, dài 23 - 30 cm, rộng 5 - 6 cm, gốc hình nêm, đầu nhọn mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên bóng, lưỡi bẹ mỏng, xẻ đôi, cuống lá dài 5 - 10 mm. Cụm hoa mọc từ thân rễ thành bông, có 5 - 7 hoa màu trắng, lá bắc ngoài hình bầu dục, màu nâu, lá bắc trong dạng ống, đài dài 1,5 cm, có 3 răng nhọn, tràng hình ống dài 1,3 - 1,5 cm chia 3 thùy, mặt ngoài có lông thưa, thùy giữa hình trứng ngược hai thùy bên hẹp, cánh môi gần tròn, đường kính 2,0 - 2,6 cm, lõm, mép mầu vàng, giữa có sọc đỏ đầu cánh môi xẻ hai. Quả hình cầu, màu tím, đường kính 1,3 - 2 cm, mặt ngoài có gai ngắn, chia 3 ô, hạt có áo, đa dạng, đường kính 3 - 4 mm.

Điều kiện sinh thái: Sa nhân tím là cây ưa ẩm, chịu bóng (40 - 60 %) và ưa sáng trong trường hợp mọc thành những quần thể lớn thuần loài trên đất sau nương rẫy. Cây thường mọc thành đám ở ven rừng kín thường xanh, rừng thứ sinh, dọc theo bờ các khe suối hay trên các nương rẫy thấp đã bỏ hoang.

Giá trị sử dụng: Quả sa nhân được phơi khô. Tinh dầu sa nhân tím có khả năng kháng khuẩn. Quả sa nhân tím có tác dụng trị bụng trướng, đau đầy bụng, ăn không tiêu, tả, lỵ, nôn mửa. Quả sa nhân tím vị cay, tính ấm, mùi thơm, vào kinh, tỳ, vị, thận, có tác dụng tán hàn, tán thấp, hành khí, khai vị, tiêu thực, kích thích tiêu hóa.

Lựa chọn vùng trồng: Sa nhân thích hợp vùng núi thấp, trung du, cao 100 - 800 m so với mặt biển. Ở Việt Nam, sa nhân phân bố hầu hết các tỉnh có lượng mưa trung bình năm khoảng 1.000 - 3.000 mm, đất xốp ẩm mát, đất không dốc quá (<15o). Chọn vùng đất luôn ẩm, mát, không bị úng ngập, có độ che bóng 10 - 40%, dưới tán rừng tự nhiên hoặc rừng trồng.

Giống và kỹ thuật làm giống: Sa nhân tím được nhân giống bằng mầm rễ, hoặc cây con gieo từ hạt.

- Nhân giống từ hạt : Hạt có tỷ lệ nảy mầm cao. Chọn quả già hạt to đều để làm giống. Trước khi gieo cho vào chậu xát nhẹ để tách hạt, xử lý hạt bằng dung dịch thuốc tím 5% trong 10 -15 phút, vớt ra rửa sạch, ngâm nước ấm 40o - 45oC, vớt ráo rồi đem gieo.

Gieo cây trong vườn ươm: Rắc đều hạt trên luống gieo, phủ kín đất mặt, che phủ, tưới đều. Sau 15 - 20 ngày hạt nảy mầm. Khi cây có 2 - 3 lá cho vào bầu, xếp bầu thành luống dưới tán cây hoặc giàn che. Chăm sóc cây con 3 - 4 tháng, cây đạt chiều cao 20 - 25cm, có 5 - 6 lá thì đem trồng. Cây trồng bằng hạt có tốc độ đẻ nhánh khỏe.

- Nhân giống bằng mầm rễ: Tách nhánh vào mùa xuân, các nhánh giữ nguyên phần gốc, cắt bỏ bớt thân rễ và phần ngọn, chỉ để 1 đoạn 30 - 40cm tính từ gốc. Cây trồng từ mầm nhanh ra hoa, kết quả. Hệ số nhân giống vô tính của sa nhân tím đạt tới 15 - 20 mầm/cây

Thời vụ trồng

- Ở miền Bắc thời vụ trồng sa nhân vào tháng 2-3.

- Ở miền Nam trồng vào đầu mùa mưa (cuối tháng 4 đầu tháng 5) hoặc cuối mùa mưa (tháng 9 - 10).

- Ở miền Trung và Nam trung bộ thường trồng vào tháng 11-12.

Kỹ thuật làm đất: Đất trồng sa nhân yêu cầu có độ ẩm tự nhiên cao, gần sông, suối và đặc biệt có tán cây rừng mọc tự nhiên, hoặc rừng trồng với độ tán che từ 10- 40 %. Đất trồng sa nhân không cần cày bừa quá kỹ, chỉ cần cuốc lên một lần sau khi đã dọn sạch thực bì, san phẳng đất lưu ý tạo độ nghiêng (để thoát nước). Không cần lên luống chỉ bổ các hốc kích thước 20 cm x 20 cm x 10 cm.

Phương thức và mật độ trồng

- Trồng Sa nhân dưới tán rừng trồng

 + Trồng Sa nhân dưới tán rừng là phương thức trồng xen với cây trồng chính như Keo, Mỡ, Xoan…) tận dụng được độ che tán của cây trồng chính để cây sa nhân phát triển.

 + Xử lý thực bì: Tiến hành phát dọn thảm tươi cây bụi, dây leo. Tiếp theo nếu độ che tán cao trên 0,7 phải tiến hành tỉa tán để hạ độ che tan xuống dưới 0,5 -0,6.

 Đào hố trồng theo băng dọc theo hàng cây trồng chính, cách gốc cây trồng chính từ 1 m.

 + Mật độ trồng: Tùy mật độ cây trồng chính mà mật độ trồng sa nhân khác nhau. Nhìn chung khoảng từ 6.000 - 9.000 cây/ha. Cự ly đào hố trồng Sa nhân là 1 m x 1m/1 cây giống.

 + Chăm sóc sau trồng: Ở phương thức này, ta phải chú y duy trì độ che tán ở mức dưới 0,6.

- Trồng sa nhân dưới tán rừng tự nhiên:

 + Xử lý thực bì: Tiến hành chặt bỏ những cây che tán không cần thiết (cây không có giá trị và không phải là cây bảo tồn), phát dọn thảm tươi cây bụi, dây leo. Tiếp theo tiến hành tỉa tán để hạ độ che tan xuống dưới 0,5 -0,6.

 + Tùy điều kiện thực bì mà ta có thể tiến hành trồng theo băng hoặc theo đám. Nhìn trung trong rừng tự nhiên, có nhiều cây có giá trị lấy gỗ và khai thác lâm sản ngoài gỗ cần được lưu giữ nên thường dọn thực bì và trồng sa nhân theo đám. Đào hố theo kiểu so le nanh sấu và cách gốc cây trồng chính khoảng 2 – 4 m (tùy độ che tán và khả năng tỉa tán cây trồng chính).

 + Cự ly đào hố: 1 cây/ 1m2

 + Chăm sóc sau trồng: Ở phương thức này, ta phải chú y duy trì độ che tán ở mức dưới 0,6. 

- Trồng sa nhân dưới tán vườn cây ăn quả hoặc vườn tạp:

+ Xử lý thực bỡ: Trước khi trồng Sa nhân cũng phải chặt bỏ những cây không có ích (ở vườn tạp), tỉa bớt cμnh ở các cây ăn quả nếu có thể.

+ Cây ăn quả là cây tỉa tán hàng năm nên có thể trồng sa nhân theo hàng xen giữa các băng cây ăn quả. Trồng cách gốc cây ăn quả 1 m.

+ Mật độ trồng: khoảng 6000-9000 cây/ha. Cự ly trồng là 1 x 1 m/ 1 cây.

- Trồng Sa nhân trên đất nương dãy đã bỏ hoang đất trống:

+ Loại đất này vốn được khai phá từ rừng, sau nhiều năm trồng chè hoặc canh tác cây lương thực, đất bị xói mòn, cây trồng năng suất kém nên bỏ hoang; cỏ dại, cây bụi và cây gỗ nhỏ xâm lấn. Độ dốc dưới 300

+ Đối với phương thức trồng thuần loại Sa nhân tím trên đất rừng sau nương rẫy phải tiến hành chặt phát bỏ gần như toàn bộ các cây bụi và gỗ nhỏ. Chỉ chừa lại một số cây gỗ có tán lá thoáng (tránh gió bão làm đổ) với tổng độ tμn che từ 10 - 20% (tối đa 30%). Cuốc bỏ gốc cây, lượm bớt đá, rẫy cỏ phơi khô xong đốt lấy tro.

+ Mật độ trồng: Trồng với mật độ khoảng 9500 - 9800 cây/ha. Cự ly trồng là 1 x1m  trồng 1 cây.

Phân bón và kỹ thuật bón phân

- Lượng phân bón cho năm đầu tiên

Loại phân

Lượng phân/ ha (kg)

Lượng phân/ sào Bắc bộ (kg)

Tỷ lệ bón (%)

Bón lót

Bón thúc lần 1

Bón thúc lần 2

Phân chuồng

20.000 - 25.000

740 - 926

100

-

-

Phân vi sinh

700 - 1.200

26 - 44

100

-

-

NPK 16:6:8

280 - 400

10,3 - 14,8

-

50

50

- Thời kỳ bón

+ Bón lót: Toàn bộ lượng phân chuồng + phân hữu cơ vi sinh, trộn đều cả 2 loại rồi bón.

+ Bón thúc: Chia làm 2 đợt bón/năm, trước các đợt cây ra hoa vào các tháng 1 - 2 và 6 - 7 hàng năm. Lưu ý chọn thời điểm bón phân cho cây vào thời gian độ ẩm đất và không khí cao hoặc trước hoặc sau đợt mưa.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Kỹ thuật trồng: Trồng ngập phần thân củ, lấp chặt phần thân gốc. Chọn thời điểm độ ẩm đất cao >70% hoặc sau những ngày mưa đem trồng để tỷ lệ cây sống cao. Nếu chọn thời điểm thời tiết khô hoặc độ ẩm đất thấp, vùng khô hạn ít mưa nên sử dụng cây giống gieo từ hạt và làm vào bầu đất sẽ giúp cây có tỷ lệ sống cao. Sa nhân trồng cho năng suất và chất lượng quả cao khi trồng ở dưới tán có độ che phủ từ 10 - 40%, dưới tán rừng phòng hộ có độ cao trên 350 m so với mực nước biển và rừng phòng hộ trồng các loại cây họ đậu. Vì thế để giảm tải việc chăm sóc, bón phân hoặc bảo vệ quả cần có sự kiểm soát chặt về cỏ dại, cây rừng và các con vật phá hại cây quả.

Chăm sóc: Thường xuyên nhặt bỏ cỏ dại, dây leo, xới xáo, vun gốc chú ý trồng dặm đảm bảo mật độ cây. Cắt bỏ những cây sa nhân già, lá úa, khô đã tàn lụi, phát quang hơn các khu vực bị tán cây che phủ quá mức cần thiết, hoặc ngược lại tìm cách bổ sung độ tán che chưa đúng từ 10 - 40%. Tuyệt đối không để đọng, ngập nước trong vườn trồng sa nhân.

Cách bón phân

- Bón lót: Rải đều trên mặt đất sau khi đất được cày bừa hoặc cuốc xong trước khi đánh luống hoặc đánh rạch theo hàng rồi rải phân.

- Bón thúc: Rắc đều phân dưới gốc cây, tránh bón vào đọt cây hoặc vào lá dễ gây cháy lá.

Phòng trừ sâu bệnh: Cây sa nhân là cây ít bị sâu, bệnh phá hoại. Vào mùa cây sa nhân ra quả cần chú ý đề phòng chuột ăn quả sa nhân. Những khu trồng sa nhân dưới tán rừng tự nhiên, trong khu vực rừng phòng hộ cần thường xuyên thăm vườn đề phòng loài khỉ đến bẻ, phá cây.

Chế độ luân canh: Sa nhân là cây trồng lâu năm nhưng kinh nghiệm cho thấy ruộng sa nhân càng lâu năm (từ l năm trở lên) năng suất sẽ giảm dần, vì thế sau 6 - l năm nên phá bỏ toàn bộ ruộng sa nhân đã cỗi, để hoang hoặc trồng luân canh các loại cây khác tốt nhất là sắn, lúa nương, ngô hoặc một số cây họ đậu, không luân canh sa nhân với cây cùng họ như gừng, nghệ, dong riềng v.v.

Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch: Thu hái vào mùa hạ, mùa thu lúc trời khô ráo, hái lấy quả chín để cả vỏ.

Sơ chế: Tãi phơi hoặc sấy ngay cho thật khô khi đạt độ ẩm <14%. Quả sa nhân sau khi khô kiệt bóc vỏ lấy hạt đem phơi hoặc sấy nhẹ (khoảng 40 - 45oC) đến khô.

Bảo quản: Cho dược liệu vào bao nilon kín, bảo quản ở nơi khô mát, tránh nóng ẩm.

                   Quỳnh Lê, Phòng Sử dụng và phát triển rừng - Chi cục Kiểm lâm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 4
Hôm nay : 302
Hôm qua : 894
Năm 2024 : 77.527
Năm trước : 296.797
Tổng số : 664.834