Tác phẩm “Kon Tum tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm”
Nhờ siết chặt quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, các sản phẩm nông sản đã tăng được giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.
Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được tỉnh Kon Tum xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Theo đó, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông đến người dân về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc bằng nhiều hình thức như tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở treo băng rôn tuyên truyền; kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông - thủy sản; đăng tải tin bài lên trang thông tin điện tử của Sở NN-PNNT.
Cụ thể, Chi cục đã phối hợp với các địa phương tổ chức 3 lớp tập huấn với 141 người tham gia về các quy định an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; vận động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng.
Chi cục còn công khai 44 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, thuỷ sản (rau, củ, quả, thịt, cá....) được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để người dân theo dõi. Đồng thời, thông báo đường dây nóng để tổ chức, cá nhân phản ánh các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, nông, lâm, thủy sản.
Ngoài ra, Chi cục đã hướng dẫn người dân, doanh nghiệp áp dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc và nhãn mác để quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Qua đó, người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, nâng cao sự tin cậy của khách hàng.
Ông A Thông, Giám đốc HTX Ngọc Linh (thôn Ngọc Súc, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei) cho biết, trước đây sản phẩm đảng sâm của HTX áp dụng phương pháp truyền thống trong sản xuất, sơ chế và tiếp thị. Chính vì vậy, sản phẩm làm ra luôn đối mặt với áp lực từ việc giả mạo và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Việc áp dụng tem điện tử và nhãn mác đã giúp HTX tiếp cận được nhiều người tiêu dùng, qua đó tăng cường uy tín cho các sản phẩm.
Không chỉ hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Kon Tum còn tổ chức các cuộc kiểm tra, thẩm định, đánh giá đối với 51 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bà Đỗ Thị Bích Trâm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Kon Tum cho biết, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thuỷ sản luôn được Chi cục chú trọng, thực hiện hiệu quả.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Trong đó tập trung công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp tốt với các địa phương tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở nhỏ lẻ. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ”, bà Trâm chia sẻ.
Nguyễn Thị Trang