Mô hình hội quán ở Đồng Tháp phát huy giá trị cộng đồng
Từ hội quán nông dân đầu tiên ra đời năm 2016, đến nay, Đồng Tháp có 145 hội quán với 7.500 hội viên, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Nông dân cùng bàn chuyện làm ăn
Năm 2016, từ sáng kiến của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, các nông dân trồng nhãn ở xã An Nhơn, H.Châu Thành tự nguyện thành lập Canh Tân hội quán đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp để bàn chuyện trồng trọt, làm ăn. Hội quán hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán, cho biết trong 6 năm qua, Canh Tân Hội quán đã tập hợp được bà con nông dân trong vùng, gắn kết nhau trong tình làng, nghĩa xóm. Bà con cùng bàn chuyện làm ăn, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm phát triển. Từ hội quán, tháng 12.2017, Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa được thành lập, mở thêm hướng đi mới cho nông dân trồng nhãn.
Còn ông Phan Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán cùng nhau làm du lịch ở P.Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, cho biết: "Ban đầu, tôi chỉ biết trồng hoa bán, nhưng từ khi vào Hội quán cùng nhau làm du lịch năm 2019 và làm thêm du lịch, thu nhập tăng hơn gấp 10 lần trên cùng diện tích, có năm thu nhập đến 10 tỉ đồng. Hiện, hội quán đã liên kết với nhau, tạo thành tour tuyến du lịch hấp dẫn và ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành. Anh em hội quán đã hùn vốn mở công ty du lịch, tạo công việc ổn định cho hơn 20 lao động".
Nhờ hoạt động hiệu quả và mang nhiều lợi ích cho hội viên nên số lượng hội quán tại Đồng Tháp tăng nhanh chóng. Đến nay, toàn tỉnh có 145 hội quán ở hầu hết xã, phường, với hơn 7.500 thành viên, hoạt động ở loại hình như: sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, nuôi cá tra, nuôi lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch… Đã có 38 hợp tác xã được thành lập từ nền các hội quán để liên kết sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng.
Tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị
Theo ông Lê Thành Công, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Đồng Tháp, các hội quán tự nguyện thành lập theo nhu cầu thực tế của hội viên. Nông dân tham gia hội quán để cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, cùng cập nhật thông tin thị trường và tìm kiếm bạn hàng. Các hội quán tự chủ kinh phí hoạt động, các hội viên cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng trên tinh thần tự nguyện, tự quản. Hành trình của mô hình Hội quán Đất Sen hồng hướng đến sự tự thay đổi của người dân Đồng Tháp. Mô hình hội quán đã giúp nông dân chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết mô hình hội quán ra đời đã phát huy tối đa hiệu quả tập hợp nông dân để cùng thay đổi tư duy, thay đổi cách làm ăn từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang hợp tác cùng nhau và liên kết với doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích; phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn kết với phong trào khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, thay đổi bộ mặt nông thôn. Đây được xem là một nỗ lực lớn trong thiết chế cộng đồng với mô hình tự nguyện, tự quản…
"Thời gian tới, để mô hình hội quán thực sự phát triển bền vững, đúng nghĩa là một tổ chức xã hội của người dân thì người dân sẽ tự thành lập các hội quán. Chính quyền là cầu nối cho các hội quán tiếp xúc với chuyên gia để được tư vấn về kỹ thuật, quản trị sản xuất, phát triển cộng đồng hoặc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản xuất, chứ không nghĩ thay, làm thay hay chỉ đạo hoạt động của các hội quán", ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ thêm.