A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những thành tựu nổi bật trong công tác cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đòi hỏi Nhà nước phải cải cách toàn diện, trong đó có cải cách hành chính (CCHC) nhà nước. Văn bản đầu tiên được xem là đánh dấu cho việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về CCHC là Nghị quyết số 38-CP ngày 04/5/1994 về cải cách một bước thủ tục hành chính (TTHC) trong việc giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đồng bộ, bài bản về CCHC được xem là từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.
 
Ảnh minh họa
 
Tiếp đến là Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và hiện nay là Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Qua gần 30 năm tiến hành, công tác cải cách hành chính nhà nước đã đạt những thành tựu nổi bật.
Thể chế hành chính nhà nước được xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả
Hệ thống thể chế hành chính nhà nước luôn được quan tâm xây dựng và hoàn thiện, chất lượng ngày càng được được nâng cao; trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương xây dựng các thể chế thuộc phạm vi quản lý, chú trọng hoàn thiện thể chế về kinh tế, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, tài nguyên và môi trường, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và nhiều lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội.
Qua hoàn thiện thể chế hành chính, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan hành chính được phân định rõ ràng, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; phân định rõ hoạt động của cơ quan hành chính với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thực hiện dịch vụ công. Thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân được quan tâm hoàn thiện và triển khai thực hiện, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người dân trong việc tham gia xây dựng bộ máy nhà nước. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các đạo luật đề cao các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Kết quả công tác xây dựng thể chế hành chính đã có tác động tích cực và sâu rộng tới đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, tăng cường quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế và góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Trong gần 30 năm qua, hệ thống thể chế hành chính đã góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khơi thông và giải phóng các nguồn lực để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã  hội; hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC...
Thủ tục hành chính đã chuyển biến căn bản theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện
Cải cách TTHC là một trong các nội dung được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát và quyết liệt. Việc đơn giản hóa TTHC gắn với việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được triển khai quyết liệt trong giai đoạn 2001-2010 và 2011-2020 đã đạt được những kết quả tốt đẹp, mang lại hiệu quả cao. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh, cấp huyện được triển khai ở các địa phương với nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết TTHC đối với người dân, doanh nghiệp. Các nội dung gắn kết đồng bộ giữa cải cách TTHC và xây dựng chính phủ điện tử cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với cơ quan hành chính nhà nước. Việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật một cửa ASEAN đối với một số lĩnh vực đã được các bộ, ngành triển khai mạnh mẽ. Số lượng, chất lượng và hiệu quả cung ứng, giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại các bộ, ngành, địa phương ngày càng được nâng cao, với số lượng hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến ngày càng tăng.
Thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hải quan, thuế, kho bạc, xuất nhập khẩu v.v… được rà soát nhiều lần để loại bỏ những thủ tục rườm rà, phức tạp, tạo lập niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động phục vụ của các cơ quan công quyền. Việc rà soát, đơn giản hóa TTHC, đánh giá tác động của TTHC, kiểm tra cải cách TTHC... được các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC mới, đảm bảo đơn giản, rõ quy trình, dễ hiểu, dễ thực hiện. Hầu hết TTHC được niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, giải quyết, công khai trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương và Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức truy cập tìm hiểu, thực hiện thuận tiện, chính xác.
Một số bộ, ngành, địa phương có những sáng kiến nổi bật, như Đề án thực hiện liên thông các TTHC: đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa quy định TTHC trong việc cấp, quản lý, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế và quản lý khám, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế; chuẩn hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia… Mở rộng việc thực hiện mô hình một cửa trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp; mô hình hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân; xây dựng và đưa vào vận hành ứng dụng khai thác cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường trên mạng internet và di động để thuận lợi cho người dân, tổ chức tra cứu, tiếp cận thông tin; xây dựng phần mềm tra cứu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; mô hình “phi địa giới hành chính” trong các lĩnh vực đất đai, tư pháp, giao thông vận tải, y tế…
Hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước không ngừng được nâng cao
Qua tiến hành cải cách, bộ máy hành chính nhà từ Trung ương đến địa phương được phân định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý. Phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương được tăng cường; phương thức làm việc được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước không ngừng được nâng cao. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, ngành bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ, đồng thời phân định rõ hơn phạm vi chức năng quản lý nhà nước giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc sắp xếp, kiện toàn, tinh giản tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương và địa phương được thực hiện có hiệu quả. Tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương bảo đảm phân định đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp. Một số địa phương đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh hoặc thí điểm điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Báo cáo của Chính phủ gửi Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, việc sắp xếp cơ cấu tổ chức các bộ, cơ quang ngang bộ cơ quan thuộc Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ; việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 giúp giảm được 08 huyện và 561 xã; giảm được 07 sở và 2.159 phòng thuộc sở và thuộc UBND cấp huyện. Các đơn vị sự nghiệp công ở Trung ương và địa phương giảm được 7.469 đơn vị; cả nước tinh giản được khoảng 78 nghìn biên chế công chức, viên chức, qua đó giúp tiết kiệm được 25,6 nghìn tỷ đồng. Đây là những kết quả rất quan trọng của CCHC thời gian qua, được Quốc hội và Nhân dân đánh giá rất cao.
Đổi mới mạnh mẽ chế độ công vụ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Cải cách chế độ công vụ, công chức vừa là nội dung rất quan trọng, vừa là lĩnh vực đạt nhiều kết quả to lớn trong CCHC thời gian qua. Chính sách pháp luật về quản lý CBCCVC được tiếp tục hoàn thiện đồng bộ, liên thông với quy dịnh của Đảng và thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, bố trí công chức đảm bảo theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức tương ứng với bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí. Việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cũng đã bước đầu được thực hiện.
Việc tuyển dụng công chức theo nguyên tắc cạnh tranh thường xuyên được đổi mới về phương pháp, cách thức, nội dung, theo đó, các bộ, ngành và địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi tuyển. Công tác đánh giá, xếp loại CBCCVC hàng năm được thực hiện theo các quy định của Đảng và Nhà nước, có sự đổi mới từ thể chế đến tổ chức thực hiện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC được đổi mới cả về nội dung và phương thức.Việc áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý cán bộ, công chức được thực hiện tại nhiều bộ, ngành, địa phương và bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện chế độ, chính sách đối với CBCCVC. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều quy định góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ. Cải cách chính sách tiền lương được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ, chính sách tiền lương, đề án cải cách chính sách tiền lương theo từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công
Việc luật hóa, công khai hóa các nguồn thu và các khoản chi ngân sách nhà nước đã nâng cao tính dân chủ và minh bạch trong quản lý tài chính công. Thủ tục hành chính trong thu, chi ngân sách nhà nước được cải cách mạnh mẽ, bảo đảm công khai, công bằng, thuận lợi, đúng pháp luật. Việc quản lý, sử dụng và đầu tư mua sắm tài sản công được quy định chặt chẽ hơn. Chính sách quản lý tài chính doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được ban hành đầy đủ, đồng bộ; điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và tình hình thị trường; thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước, minh bạch trong quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước. Từng bước hoàn thiện chính sách về thuế, quản lý nợ công, thu nhập, tiền lương, chính sách an sinh xã hội; triển khai chính sách xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế; đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong nền hành chính nhà nước
Chính phủ từng bước hoàn thiện về thể chế, chính sách phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (trước đây) và nay là chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, chính quyền số, từ các chương trình, định hướng của quốc gia, cho tới cung cấp thông tin, dịch vụ công; đô thị thông minh... Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử; phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu. Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ xây dựng và phát triển chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Triển khai việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. 
 
Biểu đồ: Tỷ lệ văn bản hành chính được trao đổi dưới dạng điện tử tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua các năm(1).
 
Đã triển khai cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; triển khai các hệ thống một cửa điện tử. Số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng đều qua các năm, tính đến ngày 28/6/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 97,3% (chiếm 53,56% tổng số TTHC). Từ khi khai trương (11/2019) đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.657 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4; hơn 2 triệu tài khoản đăng ký; đã có hơn 473 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 120 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 3,9 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng(2). Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001:2008 và TCVN ISO 9001 được triển khai ở các bộ, ngành, địa phương giúp các cơ quan hành chính nhà nước chuẩn hóa quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức thực thi công vụ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; minh bạch hóa các quy trình giải quyết TTHC, hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, chuyên nghiệp, minh bạch.
TS. Đàm Bích Hiên, Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ

 


Nguồn:https://moha.gov.vn/danh-muc/nhung-thanh-tuu-noi-bat-trong-cong-tac-cai-cach-hanh-chinh-nha-nuoc-o-viet-nam-tu-thoi-ky-doi-moi-den-nay-48445.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 194
Hôm qua : 293
Năm 2024 : 208.036
Năm trước : 296.797
Tổng số : 795.343