A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo cáo tình hình thực hiện công tác tháng 10

 UBND TỈNH KON TUM
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


                      Số: 271/BC-SNN

          Kon Tum, ngày 24  tháng 10  năm 2013

 BÁO CÁO

Tình hình thực hiện công tác tháng 10

 nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 11 năm 2013

 

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC THÁNG 10 NĂM 2013

1. Lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản

1.1. Kết quả sản xuất nông nghiệp, thủy sản

a) Trồng trọt: Tính đến ngày 15/10/2013, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh 155.133,9 ha, đạt 106,9% kế hoạch và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích của một số cây trồng chính: Diện tích cây lúa: 16.378 ha, đạt 103,1% KH và bằng 101% so cùng kỳ năm trước, diện tích đã thu hoạch 2.772 ha, năng suất đạt 36 tạ/ha, sản lượng đạt 9.967,5 tấn; Diện tích cây ngô: 6.729 ha, thấp hơn 281 ha so với KH và tăng 271 ha so với cùng kỳ, diện tích đã thu hoạch 4.050 ha, năng suất ước đạt 37 tạ/ha, sản lượng ước đạt 14.967,3 tấn; Diện tích cây sắn: 40.100 ha, vượt 39,2% KH và tăng 115,7% so với cùng kỳ, diện tích thu hoạch là 360 ha, năng suất ước đạt 180 tạ/ha (chủ yếu là diện tích sắn lưu vụ ở huyện Đăk Tô); Diện tích cà phê: 13.071 ha, trong đó diện tích trồng mới: 319 ha, cao hơn 119 ha so với kế hoạch và thấp hơn 24 ha so với cùng kỳ năm trước; Diện tích cao su: 73.637,9 ha, trong đó diện tích trồng mới: 6.039,9 ha.

b) Thủy sản: Tính đến ngày 15/10/2013, diện tích ao nuôi thủy sản ao hồ nhỏ khoảng 610 ha, đạt 100% KH; diện tích nuôi trồng thủy sản hồ chứa khoảng 1.045 ha, đạt 95 % KH; số lượng lồng nuôi đạt 30 lồng, đạt 30% KH; sản lượng khai thác ước khoảng 705 tấn, đạt 94% KH.

1.2. Quản lý sâu bệnh hại cây trồng và dịch bệnh gia súc, gia cầm:  

a) Công tác quản lý sâu bệnh hại cây trồng: đối với cây lúa: do ảnh hưởng của cơn bão số 8, 9, 10, mưa kéo dài trùng vào thời điểm cây lúa đang giai đoạn trổ bông - phơi màu nên lúa trỗ bị lép hạt, tại địa bàn thành phố Kon Tum có 200 ha lúa bị lép hạt, ngoài ra rầy các loại, bệnh đạo ôn lá, bệnh đốm nâu,... gây hại rải rác ở các vùng trên địa bàn tỉnh; đối với cây cao su: bệnh héo đen đầu lá tiếp tục gây hại trên cao su trồng mới tại huyện Đăk Tô, diện tích nhiễm 120 ha, ngoài ra bệnh còn gây hại rải rác trên cao su kiến thiết cơ bản tại thành phố Kon Tum, các huyện Đắk Hà, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Rẫy và Tu Mơ Rông. Ngoài ra, còn có một số loại sâu, bệnh hại khác cũng thường xuyên tồn tại và phát sinh gây hại trên rau màu, cây cà phê, cây ăn quả và cây lâm nghiệp nhưng mức độ gây hại không đáng kể.

b) Quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm:

- Bệnh lở mồm long móng: Ngày 29/9/2013, tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy phát hiện gia súc mắc bệnh Lở mồm long móng (LMLM) với số lượng là 7 con bò; ngày 4-5/10/2013 phát hiện thêm 20 con bò mắc bệnh và 9 con lợn mắc bệnh LMLM; ngày 6/10/2013 phát hiện thêm 6 con bò mắc bệnh; ngày 9/10/2013 phát hiện thêm 15 con bò mắc bệnh. Tính đến ngày 20/10/2013, tổng số gia súc mắc bệnh là 71 con (62 con trâu, bò và 9 con lợn), trong đó số gia súc điều trị khỏi về triệu chứng lâm sàng là 57 con trâu, và 09 con lợn, số gia súc đang điều trị là 09 con  . Tiêm phòng bao vây ổ dịch được 450 liều vacxin LMLM/tổng đàn là 1200 con trâu bò, thực hiện phun hóa chất khử trùng tiêu độc khu vực có gia súc mắc bệnh hằng ngày (1lần/ngày). Hiện nay Trạm Thú y huyện Sa Thầy và chính quyền địa phương đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM).

- Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không phát sinh các dịch bệnh Tai xanh, Cúm gia cầm và vẫn an toàn về dịch bệnh thủy sản; một số bệnh thông thường khác xảy ra tại một số địa phương đã được lực lượng Thú y phát hiện và can thiệp kịp thời. 

1.3. Công tác sản xuất giống và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp:

a) Sản xuất giống: Tập trung chỉ đạo thực hiện việc sản xuất 15,5 ha giống lúa các loại; tiếp tục theo dõi, chăm sóc đàn bò, bê của Dự án sản xuất giống bò lai Zê bu (Do thiếu thức ăn nên thể trạng đàn bò bê giảm sút, tỷ lệ bò bê gầy tăng)([1]), UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương dừng việc thực hiện Dự án, hiện đang chờ các thủ tục bàn giao cho đơn vị mới quản lý; thả nuôi 33 ao, thuộc Dự án Trung tâm giống thủy sản nước ngọt (trong đó: 17 ao thả nuôi các giống mới có giá trị kinh tế như: cá lóc bông, rô đầu vuông, trắm đen,…; 9 ao thả nuôi cá bố mẹ: chép, rô phi, mè đen, mè trắng; 7 ao thả ương cá bột: rô phi, diêu hồng, trắm, chép, mè, trôi); triển khai gieo ươm cây giống cao su phục vụ đề án cao su tiểu điền năm 2014 với số lượng 450.000 cây.

b) Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp:  

- Cử cán bộ kỹ thuật phối hợp chính quyền địa phương các xã thực hiện mô hình khuyến nông tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các hộ chăm sóc, thu hoạch các mô hình; cấp phát sách kỹ thuật quy trình trồng, chăm sóc và sơ chế cà phê chè cho trạm khuyến nông và các xã thuộc 3 huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei;

- Phối hợp với Tỉnh đoàn Kon Tum và Hội phụ nữ tổ chức 6 lớp tập huấn về trồng thâm canh cây cao su, cà phê, nuôi heo và nuôi dê cho 180 hộ tham gia; tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực khuyến nông cho cán bộ và công viên chức trên địa bàn toàn tỉnh với 90 học viên tham gia; phối hợp với Báo Kon Tum và Đài phát thanh truyền hình đưa tin về hoạt động khuyến nông (01 tin về sản xuất ngô lai trên đất ruộng thiếu nước).

- Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền: Hướng dẫn các hộ làm cỏ, tỉa cành, bón phân diện tích cao su trồng năm 2012 và năm 2013; triển khai kế hoạch cho các huyện đăng ký tham gia trồng mới cao su tiểu điền năm 2014, đến nay các huyện, thành phố đã đăng ký trồng mới 668,65 ha cho 791 hộ tham gia.

1.4. Công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ  sản:  

- Liên hệ với các Sở, Ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để hoàn thiện các thủ tục xây dựng Pa nô tuyên truyền về việc sản xuất rau an toàn, thực hành chăn nuôi tốt tại các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung thuộc thành phố Kon Tum, huyện Ngọc Hồi, Đăk Hà; phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Kon Tum thực hiện phóng sự kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm sản và thủy sản theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Tiến hành lấy mẫu thủy sản nuôi tháng 10 tại vùng 2/KT/02 (Đăk Hà – Đăk Tô) nhằm kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi năm 2013.  

2. Lâm nghiệp:  

2.1. Công tác lâm sinh: Nhìn chung các đơn vị được giao nhiệm vụ kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đều chủ động triển khai thực hiện, đến nay các đơn vị đã thực hiện được: khoán bảo vệ rừng 185.204,8 ha, đạt 99,03 % kế hoạch (trong đó khoán huyện 30a: 77.579,3 ha); khoanh nuôi phục hồi rừng 5.983 ha, đạt 61,5% kế hoạch; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 760 ha, đạt 93,17% kế hoạch (trong đó: trồng rừng đặc dụng 150 ha, trồng rừng phòng hộ: 610 ha); trồng rừng sản xuất 800ha, đạt 100% kế hoạch; chăm sóc rừng trồng lần 01: 613,9 ha; chăm sóc rừng giống: 49,2 ha, đạt 100% kế hoạch. Triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới chế biến theo Quyết định số 516/QĐ-UBND ngày 16/7/2013 của UBND tỉnh Kon Tum.

2.2. Công tác khai thác, chế biến gỗ:

a) Công tác khai thác gỗ:    

 - Khai thác chính theo phương án quản lý rừng bền vững: Tổng khối lượng cấp phép: 2.951,2 m3 gỗ chính phẩm; 1.155,2 m3 gỗ nhỏ và gỗ cành ngọn; 809,0 Ster củi. Khối lượng thực hiện đến tháng 10 năm 2013 là: 2.221,2 m3 gỗ chính phẩm; 200,0 m3 gỗ nhỏ và gỗ cành ngọn.

- Khai thác gỗ tận dụng: Tổng khối lượng đã cấp phép khai thác: 5.132,8 m3 gỗ chính phẩm; 8.448,1 m3 gỗ nhỏ và gỗ cành ngọn; 22.044,5 Ster củi. Khối lượng gỗ thực hiện đến tháng 10 năm 2013 là: 3.352,6 m3 gỗ chính phẩm. Khối lượng tiếp tục gia hạn khai thác của 4 giấy phép là: 1.988,9 m3 gỗ chính phẩm; 4.593,0 m3 gỗ nhỏ và gỗ cành ngọn; 5.625,3 Ster củi. Hiện tại, tuy đã hết thời hạn khai thác theo Công văn 251/SNN-KH ngày 18/3/2013 của Sở Nông nghiệp và PTNT (đến ngày 31/7/2013) nhưng các đơn vị chưa thực hiện khai thác.

- Khai thác tỉa thưa nuôi dưỡng rừng trồng: Khối lượng cấp phép khai thác theo quyết định phê duyệt là: 12.964,4 m3 gỗ và 4.752,4 ster củi (Trong đó: rừng trồng nguyên liệu giấy 637,8 m3 gỗ và khai thác tận dụng, tỉa thưa nuôi dưỡng khác là 12.326,6 m3 gỗ). Hiện tại, các đơn vị chưa thực hiện do đã bước vào mùa mưa.

b) Chế biến gỗ: Tổng khối lượng gỗ tồn đến tháng 10 năm 2013 là: 54.815,123 m3 gỗ tròn; 20.526,372 m3 gỗ xẻ; 55,214 m3 gỗ nguyên liệu; 6.935,570 ster củi; gốc rễ 548,5 Ster và 405,6 tấn.

2.3. Công tác quản lý bảo vệ rừng:

Tổ chức cuộc thi Kiểm lâm địa bàn giỏi năm 2013 (cụm 1) tại thành phố Kon Tum; kiểm tra các cơ sở chế biến và kinh doanh lâm sản trên địa bàn các huyện, thành phố; kiểm tra các nhà hàng, quán ăn có kinh doanh sản phẩm động vật hoang dã trên địa bàn huyện Đăk Hà; tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp phát triển hoạt động gây nuôi động vật hoang dã” tại thành phố Kon Tum; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phân công lực lượng tăng cường tại rừng đặc dụng Đăk Uy, đảm bảo quân số đủ 20 người; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức 59 đợt tuần tra, truy quét với 181 người tham gia, phát hiện 11 vụ vi phạm với khối lượng 4,366 m3 gỗ quy tròn các loại (trong đó: Hạt Kiểm lâm các huyện tổ chức 52 đợt truy quét phát hiện 11 vụ vi phạm; cấp xã tổ chức 07 đợt tuần tra, truy quét).

a) Công tác tuyên truyền: Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị, các chủ rừng và các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng([2]).

          b) Công tác phòng cháy chữa cháy rừng: Hạt Kiểm lâm các huyện Đăk Tô, Kon Plông, Kon Rẫy, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác PCCCR mùa khô 2012-2013, triển khai công tác PCCCR mùa khô 2013-2014; Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tổ chức làm việc với Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi để chuẩn bị diễn tập PCCCR.

          c) Tình hình vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng: Tổng số vụ vi phạm Luật BV&PTR trong tháng: 67 vụ([3]); Trong tháng, đã tiến hành xử lý hành chính 74 vụ, trong đó có các vụ vi phạm của tháng trước chuyển qua (xử phạt hành chính: 73 vụ; xử lý hình sự: 01 vụ); khối lượng lâm sản tịch thu: 87,675 m3 gỗ quy tròn các loại; 05 xe máy; 47 công cụ khác.

          2.4. Thực hiện Phương án tổng quan giao rừng, cho thuê rừng: Triển khai thực hiện công tác giao đất, giao rừng năm 2013 trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Đăk Glei và thành phố Kon Tum; tổ chức kiểm tra ngoại nghiệp công tác giao đất, giao rừng tại huyện Đăk Glei và thành phố Kon Tum.

          3. Thuỷ lợi và đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi:

3.1. Công tác quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi: Phối hợp với Ban quản lý - khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum kiểm tra, đánh giá hiện trạng hư hỏng các công trình thủy lợi để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ

3.2. Công tác phòng chống lũ bão và giảm nhẹ thiên tai:

- Theo dõi tình hình thời tiết, phân lịch trực 24/24h khi có tin bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa trên địa bàn tỉnh; tham gia cùng các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố kiểm tra đánh giá tình hình thiệt hại do bị ảnh hưởng cơn bão số 8, 9, 10 gây ra.

Tổng hợp tình hình thiệt hại tính đến ngày 06/10/2013 như sau (bão 8, 9, 10):

* Về người: Chiều và đêm ngày 25/9/2013 trên địa bàn thành phố Kon Tum có mưa rất to, nước lũ cuốn trôi mất tích 02 em nhỏ: Y Yơt (sinh năm 2003) và Y Tâm (sinh năm 2004) thuộc xã Ya Chim.

* Về nhà cửa: Làm ngập 175 ngôi nhà; hư hỏng 05 ngôi nhà, 04 công trình phụ; đã tổ chức vận động di dời 61 hộ dân cư nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ đất đến nơi an toàn. Giá trị thiệt hại ước khoảng: 0,89 tỷ đồng.

* Về sản xuất nông nghiệp: Mưa lớn kéo dài làm ngập úng, bồi lấp 879,2 ha lúa, 35,1ha rau màu; hư hại 49,5ha cà phê, cao su; 149,8ha sắn, ngô; lũ cuốn trôi, làm chết 25 con trâu, bò; làm ngập, vỡ bờ khoảng 27,3ha ao cá... Giá trị thiệt hại ước khoảng: 8,721 tỷ đồng.

* Về công trình giao thông, thuỷ lợi:

+ Giao thông: Các tuyến đường Quốc lộ 24,14C; Tỉnh lộ 671, 672, 673, 674, 675,676, 677, 678, đường Đăk Kôi – Đăk Psi; đường tái định cư thủy điện Plei Krông; đường nam Quảng Nam bị sạt lở ta luy âm và dương tại nhiều vị trí, đất chảy tràn mặt đường (khối lượng sạt lở khoảng 10.964m3), làm sập 01 cầu bản. Các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã: mưa lũ đã gây sạt lở, hư hỏng, sình lầy nhiều tuyến đường với tổng chiều dài bị thiệt hại khoảng 8,8km, khối lượng sạt lở, cuốn trôi là 18.976m3; làm hư hỏng, cuốn trôi 03 ngầm, 05 cầu tạm; gây sạt lở, hư hỏng 20 cầu, cống bằng bê tông và 17 cầu treo kiên cố...Giá trị thiệt hại ước khoảng: 57,4 tỷ đồng.

+ Thủy lợi: Mưa lũ làm bị bồi lấp, sạt lở 6,4Km kênh mương; khối lượng đất bị bồi lấp, sạt lở 670m3; làm hư hỏng, sạt lở một số hạng mục công trình (như: đập đầu mối, ngưỡng tràn, cầu máng, xi phông, trụ đỡ, cống tiêu, kênh...) của 15 công trình; cuốn trôi 04 đập tạm...Giá trị thiệt hại ước khoảng: 9,627 tỷ đồng.

* Công trình khác: Có 04 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng đầu mối, đường ống dẫn nước; làm hư hại 05 điểm trường, 01 trạm y tế và 03 trụ sở làm việc của cơ quan...Giá trị thiệt hại ước khoảng: 1,522 tỷ đồng.

(Tổng giá trị thiệt hại ước tính toàn bộ khoảng 78,16 tỷ đồng).

Tình hình thiệt hại do cơn bão số 11:

Theo các đơn vị báo cáo, tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 11 trên địa bàn các huyện, thành phố như sau:

* Về nhà cửa: Mưa lớn và gió lốc đã làm tốc mái: 54 nhà dân; 02 công trình phụ; làm ngập 12 nhà; 06 công trình văn hóa; 02 điểm trường bị ảnh hưởng tốc mái; 02 trung tâm thương mại tốc mái, hư hỏng sập đổ. Đã tổ chức di dời đến nơi an toàn 95 hộ dân tại ở khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Giá trị thiệt hại ước khoảng: 1,948 tỷ đồng.

* Về sản xuất nông nghiệp: làm ngập úng, bồi lấp, đổ ngã khoảng 182,9 ha lúa; 02 con trâu bò bị cuốn trôi. 03 kho lúa của người dân bị tốc mái, 12 kho lúa ngập úng. Giá trị thiệt hại ước khoảng: 1,402 tỷ đồng.

* Về giao thông:

+ Các tuyến đường: Quốc lộ 24; 14; 14C; 40B; 672; 673; 675;676; 677; 678; đường Đăk Kôi – Đăk Psi; đường tái định cư thủy điện Plei Krông; đường nam Quảng Nam bị sạt lở ta luy âm và dương tại một số vị trí, đất chảy tràn mặt đường (khối lượng sạt lở khoảng 2.440m3), cây cối đổ gãy, nước sông dâng cao gây ách tắc giao thông tại một số vị trí. 

+ Các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã: mưa lũ đã gây sạt lở, hư hỏng với chiều dài khoảng 100m, khối lượng sạt lở, cuốn trôi là 3.510m3; làm hư hỏng, cuốn trôi 03 cầu treo tạm và 01 cầu tạm; gây sạt lở, hư hỏng 06 cầu, cống bằng bê tông và 03 cầu treo kiên cố bị xói lở mố trụ, có 05 vị trí đường giao thông bị đứt...Giá trị thiệt hại ước khoảng: 6,085 tỷ đồng.

* Công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt: làm 02 công trình bị hư hỏng cuốn trôi, trôi 02 đập tạm, sạt lở kênh mương bê tông khoảng 20m. Giá trị thiệt hại ước khoảng: 310 triệu đồng.

* Về công trình công cộng khác:

+ Lưới điện 22kV đã xảy ra một số sự cố như sau:

 Xuất tuyến 475 E56 (đoạn Đăk Tô-Ngọc Hồi) mất lúc 5h30’ sáng ngày 15/10/2013.

 Lưới điện xã Mo Ray huyện Sa Thầy bị mất lúc 6h15’ sáng ngày 15/10/2013.

 Lưới điện huyện Tu Mơ Rông bị mất lúc 6h00’ sáng ngày 15/10/2013 đoạn Kon Đào đi Tu Mơ Rông; đến 7h45’ Công ty điện lực Kon Tum đã khắc phục, cấp điện lại bình thường.

+ Huyện Kon Plong: 5 xã Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Nên, Pờ Ê bị mất điện (từ 2 giờ ngày 15/10/2013). Điện lực đang tổ chức kiểm tra và khắc phục sự cố. Giá trị thiệt hại ước khoảng: 600 triệu đồng.

(Tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 10,345 tỷ đồng).

3.3. Công tác đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi: Công trình Hồ chứa nước Đăk Rơn Ga: do trong tháng qua mưa nhiều nên không thể triển khai thi công, hiện nay đang trình thẩm định điều chỉnh dự án để trình UBND tỉnh phê duyệt; Công trình Kè Pô Kô: đang triển khai thi công phần đắp đất thân kè và ốp mái kè.

4. Các chương trình mục tiêu quốc gia:  

4.1. Chương trình bố trí sắp xếp dân cư theo Quyết định 1776/QĐ-TTg: Theo dõi, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh thực hiện kế hoạch được giao năm 2013; tổng hợp kết quả rà soát tình hình dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh từ năm 2001–2012 (Theo kết quả làm việc và báo cáo của UBND các huyện).

4.2. Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới:

- Theo dõi, hướng dẫn các địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; thành lập đoàn công tác kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới tại 22 xã điểm của tỉnh.

- Phối hợp với Ban dân vận Tỉnh ủy tiến hành khảo sát, giám sát tình tình thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án cơ chế, chính sách bê tông hóa giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2015.

4.3. Dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ: Đôn đốc các huyện, thành phố tổ chức dạy nghề nông nghiệp đảm bảo tiến độ, kế hoạch giao năm 2013; biên soạn giáo trình cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh theo Văn bản số 1441/BNN-TCCB ngày 3/5/2013của Bộ Nông nghiệp và PTNT; tính đến nay, đã đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được 930 chỉ tiêu, đạt 47 % kế hoạch.

4.4. Chương trình nước sinh hoạt và VSMT nông thôn:

- Làm việc với xã Đăk La để tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình cấp nước xã Đăk La, huyện Đăk Hà theo nội dung đơn giá đã được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã.

- Tổ chức tập huấn tuyên truyền về Nước sạch và Vệ sinh MTNT trên địa bàn xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà; tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai thi công tốt và đẩy nhanh tiến độ công trình Cấp nước sinh hoạt xã Diên Bình, huyện Đăk Tô và xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà; tổ chức tập huấn xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.

5. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành:   

- Công tác thanh, kiểm tra của Thanh tra Sở: Tổng số cuộc thanh tra hành chính đang thực hiện là 06 cuộc (kỳ trước chuyển sang 03 cuộc, triển khai trong kỳ báo cáo 03 cuộc) tại các đơn vị: Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư, các BQL rừng phòng hộ: Thạnh Nham, Đăk Ang, Đăk Blô và BQL rừng đặc dụng Đăk Uy; đến nay đã ban hành kết luận thanh tra 02 cuộc (Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư, BQL rừng phòng hộ Thạnh Nham), 03 cuộc kết thúc thanh tra trực tiếp tại đơn vị (BQL Vườn quốc gia Chư Mom Ray, BQL rừng phòng hộ Đăk Ang, BQL rừng đặc dụng Đăk Uy), 01 cuộc đang tiến hành thanh tra tại BQL rừng phòng hộ Đăk Blô. Tổng số cuộc kiểm tra chuyên ngành là 03 cuộc tại các Hạt kiểm lâm, các chủ rừng, các huyện, thành phố, các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trên địa bàn tỉnh; kết quả: số cá nhân, tổ chức vi phạm là 11 đơn vị và 06 cơ sở kinh doanh.

- Chi cục Bảo vệ thực vật tiến hành thanh tra, kiểm tra 01 cuộc tại: 09 cơ sở, đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kết quả không có cơ sở, đại lý nào bị vi phạm; kiểm tra 19 hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có 03 hộ vi phạm vứt bừa bãi bao bì, vỏ chai sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng, đã lập biên bản nhắc nhở.

- Chi cục Thú y kiểm tra 01 cuộc về công tác tiêm phòng định kỳ năm 2012 tại 02 huyện Tu Mơ rông và Kon Plông; phát hiện và xử lý 02 cá nhân vi phạm về kiểm dịch vận chuyển SPĐV với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 3.000.000 đồng.

- Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo: Trong tháng 10, Thanh tra Sở đã xử lý 01 đơn kiến nghị của công dân chuyển đến theo đường bưu điện, kết quả các vụ việc tố cáo trong đơn là sai sự thật.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC THÁNG 11 NĂM 2013

1. Lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản:

- Tăng cường công tác quản lý, phòng chống sâu bệnh hại cây trồng và dịch bệnh gia súc, gia cầm; tiếp tục phối hợp với huyện Sa Thầy triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng.

- Ban hành hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo trồng vụ Đông Xuân 2013-2014 trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2013-2014.

- Xây dựng Đề án phát triển cây chè vùng Đông Trường sơn tỉnh Kon Tum Đề án phát triển cây cà phê tỉnh Kon Tum đến năm 2020 định hướng đến năm 2025.

- Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn các huyện, thành phố; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về việc kiểm dịch vận chuyển theo quy định;

- Tổ chức triển khai kiểm tra đánh giá định kỳ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản xếp loại A theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tiến hành kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản theo kế hoạch năm 2013 của Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Trung Bộ.

- Hoàn thành Chương trình điều tra, khảo sát thái độ ứng xử thực tế của nhóm đối tượng tiếp nhận thông tin truyền thông về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2. Lâm nghiệp:

- Tiếp tục triển khai đề tài nghiên cứu khoa học trồng thí điểm cây Thông Caribê và Bạch đàn; tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng 2013.

- Tiếp tục tham mưu triển khai có hiệu quả Phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác QLBVR trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2013-2015; tiếp tục triển khai công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tổ chức kiểm tra, tuần tra truy quét trên địa bàn các huyện, ngăn chặn, xử lý các hành vi phá rừng, khai thác rừng, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng trong công tác QLBVR, phòng chống chặt phá rừng trái phép, theo dõi diễn biến rừng, gây nuôi động vật hoang dã.

- Tổ chức phân công người trực PCCCR đảm bảo 24/24h; xây dựng Phương án PCCCR mùa khô 2013-2014; tổ chức diễn tập công tác PCCCR; tham mưu tổ chức Hội nghị tổng kết công tác PCCCR cấp tỉnh mùa khô 2012-2013, phương hướng nhiệm vụ mùa khô 2013-2014.

- Tiếp tục tổ chức kiểm tra các nhà hàng, quán ăn có kinh doanh sản phẩm động vật hoang dã trên địa bàn các huyện, thành phố.

3. Thuỷ lợi:

- Tiếp tục phối hợp cùng Ban quản lý - khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành phố chủ động kiểm tra các công trình thủy lợi, đặc biệt các hồ chứa trong mùa mưa lũ để kịp thời tham mưu cho các cấp chỉ đạo công tác PCLB & GNTT và phục vụ tưới vụ Đông Xuân năm 2013-2014;

- Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, phân công lịch trực 24/24h khi có bão và áp thấp nhiệt đới; tham gia phối hợp với địa phương, các cơ quan liên quan đánh giá tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, tổng hợp và đề xuất hướng xử lý;

- Tiếp tục triển khai thi công phần kênh mương công trình Đăk Rơn Ga, công trình Kè Pô Kô; bàn giao đưa vào sử dụng, thanh quyết toán các công trình Kè Đăk Bla – tuyến thượng lưu bờ Nam, Đăk Né 1 và Đăk Né 2 (Vốn ngân sách tỉnh).

4. Phát triển nông thôn:

4.1. Chương trình bố trí sắp xếp dân cư theo Quyết định 1776/QĐ-TTg: Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch năm 2013; hướng dẫn UBND các huyện rà soát, đánh giá, tổng hợp, báo cáo cụ thể kết quả thực hiện và giải ngân năm 2013 của các Dự án vùng thiên tai sạt lở trên địa bàn.

4.2. Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới: Tiếp tục kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới tại 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra; hướng dẫn các địa phương chuẩn bị đánh giá tình hình đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, chuẩn bị tiến tới công nhận xã Đăk Mar – huyện Đăk Hà đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 3013.

4.3. Về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp nông thôn: Lập đề cương, nhiệm vụ lập Dự án đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo; triển khai công tác đào tạo tập huấn cán bộ HTX nông nghiệp.

4.4. Chương trình nước sinh hoạt VSMT nông thôn:

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình cấp nước xã Đăk La, huyện Đăk Hà theo nội dung đơn giá đã được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã.

- Tiếp tục kiểm tra, tăng cường công tác giám sát, đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai thi công tốt và đẩy nhanh tiến độ công trình Cấp nước sinh hoạt xã Diên Bình, huyện Đăk Tô và xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà.

- Tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động và quản lý vận hành của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Kon Tum; tiếp tục triển khai các hoạt động theo Kế hoạch của Unicef đã phê duyệt quý II/2013 và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013 (Hoạt động Xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình giai đoạn 2012 - 2013 trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông).

- Tiếp tục tổ chức tập huấn xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông; xây dựng phương án xác định giá nước công trình cấp nước sinh hoạt xã Đăk La, huyện Đăk Hà.

 5. Công tác thanh tra chuyên ngành:  

- Hoàn thành kết luận thanh tra hành chính tại: Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Ang và Đăk Blô; hoàn thành công tác kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan.

- Tiến hành thanh tra hành chính theo kế hoạch tại các Ban quản lý rừng phòng hộ: Tu Mơ Rông, Đăk Long, Kon Rẫy.

 

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ:

 Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy ổn định cho người dân canh tác, hạn chế  tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép để sản xuất.

 

Trên đây là nội dung báo cáo tình hình thực hiện công tác tháng 10 và nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 11 năm 2013 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum./.

 

Nơi nhận:  

- Bộ NN và PTNT;

- TT Tin học và Thống kê;

- Vụ Kế hoạch;

- Tổng cục Lâm nghiệp;

- Tổng Nuôi trồng thủy sản;

- Tổng cục Thủy lợi;

- Cục Trồng trọt;

- Cục Khai thác và BV nguồn lợi thuỷ sản;

- VP Thường trực BCĐ Tây Nguyên;        

- TT Tỉnh uỷ;

- TT HĐND tỉnh;

- UBND tỉnh;                  

- Đ/c Nguyễn Hữu Hải (PCT TT UBND tỉnh);

- Bộ phận KT, Văn phòng Tỉnh uỷ;

- Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ;

- Ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh;

- Ban thi đua – khen thưởng tỉnh;

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh;

- Cục Thống kê tỉnh;

- UBND các huyện, thành phố;

- ĐUCS Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Giám đốc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT;

- Các đơn vị, Phòng CM trực thuộc Sở;

- Lưu: VT-KH.

KT.GIÁM ĐỐC

Phó giám đốc

Đã ký

Nguyễn Hữu Nho

 

 

 

 


([1]) Tổng số bò cái nền đến 15/10/2013 là: 197 con; tổng đàn bê: 32 con.

([2]) Thực hiện 01 chuyên mục QLBVR trên Đài phát thanh, truyền hình tỉnh; 01 chuyên mục trên Đài Phát thanh tỉnh; 01 chuyên mục trên Tạp chí thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; 01 chuyên mục trên trên Báo Kon Tum; 36 cuộc tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, làng với 1.431 lượt người tham dự.

([3])  Trong đó: Vi phạm các quy định chung của nhà nước về BVR 24 vụ; khai thác trái phép 27 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 09 vụ; mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của nhà nước 07 vụ.

 

 

 

 


Tác giả: Sở NN & PTNN KonTum
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 43
Hôm qua : 833
Năm 2024 : 70.972
Năm trước : 296.797
Tổng số : 658.279