A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ và làm giàu rừng đặc dụng Đăk Uy

“Lá phổi” Đăk Uy

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về Tết trồng cây và hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, trong tháng 6 năm nay - thời tiết đã bước vào mùa mưa, nhiều cơ quan đơn vị, nhiều nơi trong tỉnh đua nhau trồng cây.

Tại rừng đặc dụng Đăk Uy, các cán bộ, công chức kiểm lâm và Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy cũng thi đua trồng cây và chăm sóc rừng trồng.

Ông Lương Văn Phường - Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy cho biết: Năm nay, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy phối hợp với Công đoàn Chi cục Kiểm lâm, Chi đoàn Chi cục Kiểm lâm và Công đoàn các hạt kiểm lâm huyện, thành phố trong tỉnh trồng 2.500 cây gỗ trắc tại rừng. Ngoài việc trồng mới, Ban Quản lý rừng còn phối hợp với các đơn vị bạn thực hiện các biện pháp lâm sinh đối với cây rừng đã trồng.

Mặc áo mưa trồng cây tại rừng đặc dụng Đăk Uy. Ảnh: V.N

Trao đổi với Giám đốc Lương Văn Phường và được “mục sở thị” anh cùng với các cán bộ, công chức kiểm lâm đang trồng rừng dưới mưa, chúng tôi hy vọng rừng đặc dụng Đăk Uy sẽ hồi sinh. 

Còn nhớ, những năm mới tách tỉnh, rừng đặc dụng Đăk Uy dường như còn nguyên sinh. Mùa khô vào rừng tham quan, chúng ta được hưởng bầu không khí trong lành, mát rượi.

Trong rừng lúc đó có nhiều cây gỗ to nhiều người ôm mới xuể. Có nhiều cây gỗ trắc đường kính gốc gần cả mét, thân cao chót vót, tôi ngẩng mặt nhìn lên mỏi cả mắt. Khi mới thành lập Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy (1993), gỗ trắc được đánh giá chiếm trên 30% trữ lượng gỗ của rừng.

Tại thời điểm đó, khi vào tham quan rừng, chúng tôi thường gặp mang, nai chạy trong rừng; sóc bay, chồn bay lượn từ cây này sang cây khác. Trên thân cây có nhiều vết cào, bóc vỏ cây của chân gấu. Nghe nói có thời điểm còn có cả báo, bò tót, bò rừng...

Tuy nhiên, do sức ép dân số và giá gỗ trắc, hương, sao xanh… trên thị trường ngày càng lên cao, lâm tặc thường xuyên đột nhập vào rừng lén khai thác gỗ để bán. Dù lực lượng kiểm lâm đã tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng nạn phá rừng trái phép vẫn cứ diễn ra. Tài nguyên rừng ngày càng suy kiệt, những cây gỗ quý lâu năm thân to vòng tay người ôm trở lên dường như không còn nữa. Phần lớn cây rừng còn lại hiện nay là cây tái sinh và rừng trồng.

Mặc dù tài nguyên rừng không còn như xưa, nhưng rừng đặc dụng Đăk Uy vẫn được xem như “lá phổi” ở địa phương và góp phần điều hòa khí hậu trong khu vực.

Bảo vệ gen gỗ trắc và đa dạng sinh học

Trao đổi quanh việc phối hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy trồng và bảo vệ rừng, ông Nguyễn Văn Nam - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, không chỉ thừa hành pháp luật về rừng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, cán bộ, công chức kiểm lâm xem việc tham gia trồng, chăm sóc cây trắc trong rừng đặc dụng Đăk Uy là một trong những hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ, phát triển rừng gắn với việc bảo vệ môi trường sống.

Tham gia trồng cây trắc tại rừng, ông Lại Đức Hiếu - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) khẳng định, rừng đặc dụng Đăk Uy có sự đa dạng sinh học cao, nhất là đất đai ở đây phù hợp với loài cây trắc quý hiếm. Tuy nhiên, trong những năm qua, lượng cây trắc trong rừng bị suy giảm do lâm tặc khai thác trái phép. Việc lực lượng kiểm lâm phối hợp với Ban Quản lý bảo vệ rừng đặc dụng Đăk Uy trồng rừng là góp phần làm giàu rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học cho rừng.

Việc bảo vệ cho bằng được tài nguyên rừng và sự đa dạng sinh học rừng đặc dụng Đăk Uy còn là quyết tâm của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Lương Văn Phường cho chúng tôi biết thêm, ngoài việc xây dựng tường và hàng rào dây thép gai bao quanh rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh biệt phái 20 công chức kiểm lâm, 10 công chức, viên chức ban quản lý rừng phòng hộ ở các huyện về cùng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Uy bảo vệ rừng. Từ nguồn nhân lực này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Uy chia thành các tổ, nhóm bảo vệ trên diện tích và số cây rừng được giao, tình hình vi phạm lâm luật năm nay giảm đáng kể so với trước.

Với phương thức giao rừng cho tổ, nhóm bảo vệ theo diện tích, theo số cây rừng được số hóa kết hợp với việc trồng lại rừng, Ban Quản lý bảo vệ rừng đặc dụng Đăk Uy đang từng bước làm giàu lại rừng, bảo vệ nguồn gen gỗ trắc và sự đa dạng sinh học nơi đây.

Theo Văn Nhiên Báo Kon Tum


Tác giả: Sở NN & PTNN KonTum
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 178
Hôm qua : 345
Năm 2025 : 4.944
Năm trước : 210.880
Tổng số : 803.131