Hiệu quả Đề án cà phê chè tại các huyện vùng Đông Trường Sơn
Qua 7 năm triển khai thực hiện Đề án cà phê xứ lạnh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông; đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới được 1.453ha cà phê chè với 5.939 hộ nghèo tham gia, đạt 90,8% kế hoạch Đề án và đã hình thành vùng chuyên canh cà phê xứ lạnh, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Vườn cây được trồng năm 2014, năng suất đạt 12 tấn quả tươi/ha
Thực hiện Nghị quyết 08/2013/NQ-HĐND ngày 04/7/2013 của HĐND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 33/2013/QĐ-UBND ngày 16/8/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án cà phê xứ lạnh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông và Quyết định số 38/2017/QĐ-UBND ngày 22/8/2017 của UBND tỉnh Kon Tum về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án cà phê xứ lạnh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông ban hành kèm theo Quyết định số 33/2013/QĐ-UBND ngày 16/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các kế hoạch, đồng thời hướng dẫn UBND các huyện và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án như: Thành lập, phân công nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Đề án cà phê xứ lạnh cấp huyện, cấp xã; công tác chọn hộ và giới thiệu cán bộ kỹ thuật; công tác đăng ký, bình xét các hộ thuộc đối tượng tham gia Đề án; công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật; sản xuất, hỗ trợ cây giống cà phê, vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật,…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Đề án, đối tượng tham gia Đề án được hưởng lợi; đồng thời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các lớp tập huấn người dân các xã trong vùng thực hiện Đề án đều biết và hiểu được chủ trương, chính sách phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn 03 huyện.
Từ năm 2014 - 2018, Đề án cà phê xứ lạnh đã hỗ trợ trồng mới 1.453ha cà phê chè, 7.638.805 cây giống hỗ trợ và 5.939 hộ nghèo tham gia, đạt 90,8% kế hoạch Đề án; tổ chức 661 lớp tập huấn tập huấn kỹ thuật về trồng mới, chăm sóc thu hoạch, sơ chế và bảo quản cà phê chè cho tất cả các hộ tham gia Đề án.
Từ năm 2014 - 2020, tổng kinh phí ngân sách tỉnh cấp thực hiện Đề án là 31.091,34 triệu đồng (bằng 69,96% kế hoạch Đề án) để chi hỗ trợ 100% cây giống trồng mới, trồng dặm; tập huấn, tuyên truyền; hợp đồng cán bộ kỹ thuật và chi phí quản lý Đề án. Tổng kinh phí ngân sách huyện thực hiện Đề án là 40.394,25 triệu đồng (bằng 55,14% kế hoạch Đề án) để hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc BVTV cho các hộ tham gia Đề án.
Người dân đang thu hoạch trên diện tích được trồng năm 2016
Đến nay diện tích cà phê đã cho thu hoạch, năng suất bình quân qua các năm đạt từ 7-12 tấn/ha, đem lại thu nhập cho các hộ tham gia Đề án bình quân 70-90 triệu đồng/ha, góp phần cải thiện đời sống cho người dân vùng Đông Trường sơn.
Người dân đi thăm vườn cây được trồng năm 2017
Thị trường tiêu thụ, tại huyện KonPlong hiện có Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Công bằng Măng Đen đang triển khai thu mua cà phê trên địa bàn Thị trấn Măng Đen với đơn giá thu mua từ 7.500 - 8.000 đ/kg, điều kiện cà phê trồng từ 04 năm trở lên và quả cà phê chín 100%; huyện Tu Mơ Rông có Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông và Hộ kinh doanh của Ông Trần Văn Nghĩa đã triển khai thu mua cà phê; huyện Đăk Glei có nhà máy xuất nhập khẩu Cao nguyên.
Mặc dù diện tích trồng mới chỉ đạt 90,8% so với Đề án, năng suất chưa đồng đều giữa các huyện, nhưng có thể khẳng định để đạt được thành quả trên đó là nhờ sự vào cuộc tích cực, kịp thời của các cấp, các ngành và đặc biệt là người dân tham gia Đề án. Sự triển khai đồng bộ các giải pháp giữa Ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, cấp huyện, nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chỉ đạo khâu chuẩn bị đất, cấp, nhận cây giống trồng và chăm sóc đảm bảo thời vụ. Hầu hết các hộ nông dân tham gia Đề án đã hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, chủ trương chính sách của Đề án, ý thức làm chủ, giữ gìn vườn cây, coi đó là nguồn lực để thoát nghèo bền vững trong thời gian tới./.
Bùi Đức Trung