A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum nỗ lực bảo tồn loài chà vá chân xám trên địa bàn huyện Kon Plong

Theo

Chà vá chân xám phát hiện tại huyện Kon Plong

Tỉnh Kon Tum có diện tích tự nhiên 967.418 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 780.736 ha, diện tích có rừng 602.334 ha, độ che phủ rừng là 62,3%, là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất Tây nguyên và là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao của cả nước. Năm 2016, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã có đợt khảo sát trong các khu rừng thuộc huyện Kon Plông và phát hiện hơn 500 cá thể Chà vá chân xám. Từ đó đến nay, tổ chức FFI và Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) đã tiến hành khảo sát bổ sung và ghi nhận một số thông tin khoa học quan trọng về loài này trên địa bàn huyện Kon PLông.

Kiểm lâm phối hợp với Tổ chức FFI và Trung tâm Green Viet thực hiện các hoạt động khảo sát chà vá chân xám trên địa bàn huyện Kon Plong

Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) là loài đặc hữu có vùng phân bố tự nhiên hạn hẹp trong các khu rừng tự nhiên thuộc 05 tỉnh miền trung Việt Nam gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum. Loài này được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong Danh lục đỏ thế giới, Sách đỏ Việt Nam và được xếp vào Danh lục 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới. Các nhà khoa học dự báo, quần thể loài này có thể bị tuyệt chủng hoàn toàn ngoài tự nhiên trong vòng 30 năm nữa nếu không được bảo tồn kịp thời.

Theo các chuyên gia, hiện nay ở Việt Nam ước tính có khoảng dưới 1.000 cá thể Chà vá chân xám, như vậy việc phát hiện quần thể có khoảng 500 cá thể Chà vá chân xám tại Kon Plong chiếm đến 50% số lượng cá thể hiện có tại Việt Nam. Có thể nói, những phát hiện quần thể này là một sự kiện cực kỳ quan trọng cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn loài này trên thế giới cũng như cho riêng tỉnh Kon Tum. Vì vậy, việc bảo tồn và duy trì sự sinh tồn của quần thể chà vá chân xám mới phát hiện, đòi hỏi nhiều nỗ lực và hành động thiết thực, cụ thể từ các cơ quan quản lý tại địa phương cũng như sự hỗ trợ của các nhà khoa học, và các tổ chức xã hội.

Theo khảo sát, số lượng cá thể Chà vá chân xám hiện có trên địa bàn tỉnh được đánh giá là lớn nhất nước hiện nay, tuy nhiên thách thức đặt ra là tình trạng khai thác rừng trái phép làm mất dần sinh cảnh sống, hoạt động săn bắn các loài động vật hoang dã nhất là các loài quý hiếm làm suy giảm nguồn gen, việc chuyển đổi rừng, khai hoang để trồng cây công nghiệp, việc xây dựng các nhà máy thủy điện gây ảnh hưởng đến điều kiện sống cũng như tập tính của một số loài làm cho khả năng thích nghi bị hạn chế dẫn đến nguy cơ có thể gây tuyệt chủng đối với loài này.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm và các lực lượng chức năng tăng cường bảo vệ loài chà vá chân xám quý hiếm trên địa bàn huyện Kon Long với nhiều hoạt động tích cực hiệu quả như: Tổ chức Hội thảo tham vấn bảo tồn loài chà vá chân xám trên địa bàn huyện Kon Plong; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của động vật cũng như theo dõi, giám sát quần thể chà vá tại đây,...

Hội thảo tham vấn giữa cơ quan quản lý với các nhà khoa học việc bảo tồn Chà bá chân xám

 

Tổ chức thi vẽ tranh chủ đề bảo tồn loài chà vá chân xám trên địa bàn huyện Kon Plong

Nhằm bảo tồn và nâng cao tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh bao gồm các hệ sinh thái, các loài, nguồn gen và các chức năng phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. HĐND tỉnh Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh Kon Tum cũng đã ban hành Quyết định số 523/QĐ-UBND ngày 03/10/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Đặc biệt UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Kế hoạch tập trung xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp nhằm tạo môi trường sống đảm bảo cho tất cả các loài linh trưởng hiện có trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trọng tâm là khu vực bên trong và bên ngoài các Vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh trên địa bàn tỉnh được bảo tồn và phát triển bền vững dưới sự quản lý của Nhà nước và sự tham gia, ủng hộ của toàn thể xã hội.

Đồng thời xây dựng Đề án bảo tồn loài Chà vá chân xám trong khu vực xã Măng Bút, Đăk Tăng, Đăk Nên huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum, mở rộng ra các xã lân cận Măng Cành, Ngọc Tem, Đăk Đring Xã Hiếu, Pờ Ê để mở rộng hành lang nối với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tỉnh Gia Lai - nơi đã xác định có quần thể khá lớn về loài này.

Tuy nhiên về lâu dài để bảo tồn được loài chà vá chân xám mới phát hiện này thì bên cạnh các hoạt động bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, các cấp, các ngành cần có những chính sách để hỗ trợ cộng đồng trong khu vực nhằm cải thiện sinh kế, giảm áp lực vào rừng như xây dựng và phát triển các chương trình, dự án tạo thêm thu nhập và nâng cao điều kiện sống cho cộng đồng địa phương; hỗ trợ các cấp chính quyền và cộng đồng trong công tác lập kế hoạch cho việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cần xây dựng quy chế, chương trình hỗ trợ cụ thể nhằm đảm bảo các điều kiện để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn, phát triển loài chà vá chân xám trên địa bàn.

Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể đó là: (1) Bổ sung Quy hoạch Khu bảo tồn Voọc chà vá chân xám vào Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020 cho phù hợp với quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.(2) Thu hồi một phần diện tích rừng và đất lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông và BQL rừng phòng hộ Thạch Nham để thành lập Khu bảo tồn chà vá chân xám trên địa bàn huyện Kon Plông. Trên cơ sở đó xúc tiến thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn.(3) Thúc đẩy các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học như  nghiên cứu bảo tồn, cứu hộ động vật, đặc biệt tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách của Nhà nước về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nói chung và loài chà vá chân xám nói riêng đến các khu vực loài xuất hiện để nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương về tầm quan trọng đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài chà vá chân xám.(4) Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, tăng cường công tác khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng. Phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương, các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp để bảo vệ có hiệu quả toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn.(5) Tăng cường công tác quảng bá, thu hút sự quan tâm và đầu tư của các tổ chức quốc tế trong công tác bảo tồn chà vá chân xám./. 

Phương Trang - Chi cục Kiểm lâm


Tác giả: trung kt
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 378
Hôm qua : 579
Năm 2024 : 70.474
Năm trước : 296.797
Tổng số : 657.781