Làm việc Đoàn khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Quang cảnh cuộc họp
Theo báo cáo tại cuộc họp, tỉnh Kon Tum có diện tích tự nhiên là 967.418,35 ha, trong đó tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 779.013,21 ha, được phân ra: Diện tích rừng và đất rừng đặc dụng 93.246,09 ha; Diện tích rừng và đất rừng phòng hộ 182.646,6 ha; Diện tích rừng và đất rừng sản xuất 491.629,52 ha; Diện tích rừng và đất rừng ngoài quy hoạch 11.509,0 ha.
Diện tích đất có rừng 602.334,02 ha (rừng tự nhiên 545.807,33 ha; rừng trồng 56.526,69 ha); Diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 176.679,19 ha. Độ che phủ rừng đạt 62,3 %.
Theo Phương án tổng thể sắp xếp đổi mới các Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay tỉnh có 07 Công ty lâm nghiệp, 08 Ban quản lý rừng phòng hộ, 02 Ban quản lý rừng đặc dụng và 01Vườn quốc gia.
01 Công ty Lâm nghiệp và 07 Công ty nông nghiệp thuộc Tập đoàn, Tổng công ty.
Hiện trạng đất đai khi thực hiện sắp xếp đổi mới, tổng diện tích tự nhiên của các Công ty nông, lâm nghiệp trước khi sắp xếp, đổi mới là 277.630,8 ha, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp 11.711,9 ha; Đất lâm nghiệp 255.985; Đất quy hoạch ngoài 3 loại rừng 7.439,3 ha; Đất nông nghiệp khác 2.494,7 ha.
Thực hiện sau sắp xếp, đổi mới các Công ty nông, lâm nghiệp quản lý sử dụng là 237.622,2 ha, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp 4.608,6 ha; Đất lâm nghiệp 219.055,6 ha; Đất quy hoạch ngoài 3 loại rừng 2.389,9 ha; Đất nông nghiệp khác 741,6 ha.
Tổng diện tích các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý, sử dụng theo kế quả kiểm kê rừng năm 2014 là: 232.910,22 ha; các Ban quản lý rừng chủ yếu tự tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng trên diện tích được giao quản lý; nguồn kinh phí thực hiện là từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trong thời gian qua tỉnh đã đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực nông lâm nghiệp để ổn định đời sống sản xuất cho nhân dân, giúp phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, góp phần hạn chế tình trạng mua bán đất, phá rừng làm rẫy, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, các huyện chưa thể bố trí được kinh phí để thực hiện phương án đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân trên phần diện tích điều chỉnh từ các đơn vị chủ rừng và giao về địa phương; Các vị trí lô, khoanh thửa đất giao về địa phương thường manh mún, nhỏ lẻ nên gặp khó khăn trong quá trình rà soát, lập kế hoạch sử dụng đất; Một số Công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh (Sa Thầy, Đăk Hà, Ngọc Hồi…) nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng không đủ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng; Tình trạng phát rừng, lấn chiếm đất đai trái phép vẫn còn xảy ra....
Từ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Đoàn công tác kiến nghị, đề xuất với Chính phủ những nội dung như sau:
1. Bổ sung đủ vốn điều lệ cho các Công ty lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
2. Bố trí kinh phí quản lý bảo vệ và thực hiện nhiệm vụ công ích tối thiểu đạt 300.000 đồng/ha/năm; Đảm bảo kinh phí khoán bảo vệ đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên đạt 400.000 đồng/ha/năm đối với diện tích rừng ở khu vực II và III.
3. Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng, thuận lợi, đặc biệt là tạo nguồn vốn đối ứng đảm bảo cho Công ty Lâm nghiệp vay vốn tín dụng ưu đãi thực hiện hoạt động các phương án sản xuất lâm nghiệp của đơn vị. Có chính sách ưu đãi về vốn hợp lý để Công ty lâm nghiệp có thể đầu tư định hình nhằm phát triển bền vững lâu dài.
4. Chỉ đạo xây dựng và ban hành các cơ chế đặc thù cho các Công ty lâm nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị quyết 30-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung Ương về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Cấp kinh phí bảo vệ rừng theo Đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014–2020 ban hành tại Quyết định 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014, …./.
Bùi Đức Trung