A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ ngành nông nghiệp, nông thôn

gày 17/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp về công nghệ viễn thám phục vụ ngành nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp

 

Tại cuộc họp, Tiến sỹ Vũ Anh Tuân, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trình bày một số thành quả của việc ứng dụng công nghệ viễn thám nói chung và ứng dụng trong ngành nông nghiệp nói riêng, cụ thể như đối với cây lúa, đó là theo dõi sự phân bố diện tích, năng suất theo mùa vụ, ước tính sinh khối, sản lượng thu hoạch, tình trạng đốt đồng; Theo dõi lịch thời vụ, giai đoạn sinh trưởng, ảnh hưởng hạn mặn, ngập lũ đến sản xuất lúa; Ước tính khí methan phát thải từ ruộng lúa; tình hình sâu bệnh, dinh dưỡng, giống lúa. Sản phẩm hàng tháng từ viễn thám được cung cấp cho Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp và Cục Trồng trọt để hỗ trợ triển khai sản xuất với các địa phương vùng ĐBSCL từ năm 2018 đến nay.

Tiến sỹ Vũ Anh Tuân, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Công nghệ viễn thám cũng được ứng dụng trong lĩnh vực phòng chống thiên tai như theo dõi lũ tại ĐB Sông Cửu Long, theo dõi lũ do bão (tại miền Trung), sử dụng ảnh radar, chụp trong mọi điều kiện thời tiết. Ngoài ra, nhờ công nghệ viễn thám, có thể theo dõi hàng tháng tình trạng mất rừng nhờ công nghệ SAR kết hợp với quang học; cung cấp thông tin về sinh khối, phục vụ điều tra tích tụ các bon.

Công nghệ viễn thám còn giúp theo dõi điều kiện mặt đất như nhiệt độ bề mặt, độ ẩm, độ bốc hơi, chỉ số khô hạn. Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm khác từ viễn thám đã được nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam như biến động đường bờ; Xói lở bờ biển; Đánh giá chất lượng nước; Xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Khu vực nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: Ngành thủy sản có nhu cầu rất lớn đối với ứng dụng công nghệ viễn thám. Quan trọng nhất là dữ liệu hàng ngày về hoạt động tàu cá trên biển, đặc biệt tại các vùng giáp ranh trên biển. Về nuôi trồng thủy sản, cần kiểm soát biến động diện tích vùng nuôi; đánh mã số vùng trồng, vùng nuôi, từ đó có những chỉ đạo cụ thể đối với việc nuôi trồng. Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng cần có dữ liệu ảnh chụp về các hệ sinh thái biển, san hô để từ đó đưa ra các giải pháp bảo vệ, kiểm soát biến động của các hệ sinh thái. Ông Nguyễn Quang Hùng cũng đề xuất sử dụng các ảnh chụp viễn thám để đưa ra các dự báo ngư trường khai thác thủy sản cho ngư dân.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư

Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi đề xuất ứng dụng công nghệ viễn thám trong quan trắc, giám sát sông ngòi, dự báo nguồn nước; Ứng dụng cảnh báo lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, tình trạng ô nhiễm; sử dụng ảnh viễn thám kết hợp các công nghệ khác giải quyết các bài toán hiện nay như kiểm đếm dung tích thực của các hồ chứa; dự báo dòng chảy, lượng mưa để tính toán cân đối các khu vực thừa thiếu nước; giám sát vùng trồng tại các vùng sản xuất tập trung.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp đề xuất Bộ NN&PTNT xây dựng một chương trình hợp tác toàn diện với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo hướng trọng tâm, trọng điểm và có các sản phẩm dùng chung. Bên cạnh đó, các ảnh viễn thám, các dữ liệu về bản đồ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có thể tích hợp vào cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp thông qua Dự án xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp do Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp triển khai thực hiện.    

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Toản đề xuất thành lập tổ chuyên gia của Bộ NN&PTNT với thành viên từ các Cục, Vụ chuyên ngành để vận hành, phân tích, chia sẻ trung tâm hệ thống điều hành tập trung.

Theo Ông Nguyễn Quốc Toản, cần tạo hành lang pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ NN&PTNT. Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định về tài chính để thương mại hóa các sản phẩm viễn thám.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất cần xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về ứng dụng công nghệ viễn thám trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số, hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành trong chuyển đổi số. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đưa nội dung ứng dụng công nghệ viễn thám vào nội dung báo cáo thường xuyên trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra: Lãnh đạo các đơn vị cần đổi mới tư duy. Tư duy của các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp đầu tiên phải là tư duy số, trong đó có tư duy về công nghệ bao gồm công nghệ viễn thám. Các ứng dụng của công nghệ viễn thám cần được tích hợp lại để phục vụ được cho tất cả các lĩnh vực. Bộ trưởng đề xuất Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng và ký kết một Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác ứng dụng công nghệ viễn thám với lộ trình hợp tác cụ thể và trước mắt có thể thực hiện thử nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt và lâm nghiệp. Bên cạnh đó, nội dung ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần được đưa vào báo cáo thực hiện kế hoạch hàng tháng của ngành nông nghiệp.      

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

HNN (mard.gov.vn)


Nguồn:https://www.mard.gov.vn/Pages/ung-dung-cong-nghe-vien-tham-phuc-vu-nganh-nong-nghiep-nong-thon.aspx?item=51 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 479
Hôm qua : 535
Năm 2024 : 78.737
Năm trước : 296.797
Tổng số : 666.044