Đa dạng sinh học Khu hệ chim tại Khu BTTN Ngọc Linh tỉnh Kon Tum.
Ngọc Linh là dãy núi cao tạo thành ranh giới hành chính của hai tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam.Với đỉnh cao 2.604 m và nhiều đỉnh cao dưới 2.500m như Ngọc Tion (2.032 m), Ngọc Peukpee (1.728 m), Ngọc Lum Heo (2.030 m), Ngọc Lepho (2.070 m) và Ngọc Pa (2.251 m)…, Ngọc Linh là dãy núi cao thứ hai của Việt Nam sau dãy Hoàng Liên Sơn ở phía Bắc và cao nhất trong các dãy núi của miền Nam Việt Nam. Đây chính là nóc nhà của Tây Nguyên nên có giá trị to lớn về quân sự và An ninh quốc phòng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh được bao bọc bởi 96,82% diện tích rừng các loại. Ghi nhận 14 kiểu thảm thực vật rừng ở 3 đai độ cao: Nhiệt đới, Á nhiệt đới núi thấp, Á nhiệt đới núi trung bình. Trong đó, kiểu thảm thực vật á nhiệt đới núi thấp đóng vai trò chủ đạo cho các kiểu thảm thực vật nơi đây. Đặc biệt, Trong các kiểu thảm ở khu vực Ngọc Linh nổi bật là Kiểu rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi trung bình độ cao 1.800m – 2.600m có lớp thảm mục dầy đây là sinh cảnh của một số loài động thực vật quý hiếm đặc hữu của Việt Nam được phát hiện mà nơi khác không có như: loài sâm Ngọc Linh Panax vietnamense, khướu Ngọc Linh Trochalopteron ngoclinhensis.
Khu hệ Chim đã ghi nhận tại Khu BTTN Ngọc Linh có 234 loài chim thuộc 11 bộ, 43 họ chiếm 32,7% (chỉđứng sau khu hệ bướm 45,5%) trong 716 loài động vật thuộc 4 lớp khác nhau: Thú, Chim, Bò sát Lưỡng cư, Bướm. Trong đó: Bộ Sẻ Passeriformes có số loài nhiều nhất với 157 loài (chiếm 67,1% tổng số loài); tiếp đến là bộ Gõ kiến Piciformes có 12 loài (chiếm 5,13%), bộ Cu cu Cuculiformes có 11 loài (chiếm 4,7%);bộ Cú Strigiformes và bộ Cắt Falconiformesđều có 10 loài (chiếm 4,27%); bộ Gà Galliformes với 9 loài (chiếm 3,85%); bộ Sả Coraciformescó 8 loài (chiếm 3,42%); bộ Bồ câu Columbiformes với 7 loài (chiếm 2,99%).bộ Hạc Ciconiiformes với 5 loài (chiếm 2,14%); bộ Yến Apodiformes có 4 loài (chiếm 1,71%); bộ Nuốc Trogoniformes có 1 loài (chiếm 0,42%).
Các loài chim quý hiếm, bảo tồn: Đã xác định có 41 loài, trong đó: Sách Đỏ Việt Nam có 13 loài, gồm có 1 loài ở bậc EN,8 loài ở bậc VU, 4 loài ở bậc LR; Danh Lục Đỏ IUCN có 11 loài, gồm có 1 loài bậc EN, 2 loài ở bậc VU, 8 ở bậc NT; Nghị định 06/2019/NĐ-CP có 38 loài, gồm có 7 loài thuộc nhóm IB và 31 loài thuộc nhóm IIB. Đặc biệt có loài chim Khướu Ngọc Linh Trochalopteron ngoclinhensis là loài đặc hữu Việt Nam.
Danh sách các loài chim có giá trị bảo tồn cao được ghi nhận tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh:
TT | Tên Việt Nam | Tên Khoa học | Tình trạng bảo tồn | ||
NĐ 06/2019 | Sách đỏ Việt Nam 2007 | IUCN 2013 | |||
I. Bộ Gà | I. Galliformes: | ||||
1. Họ Trĩ | 1. Phasianidae | ||||
1 | Gà so họng hung | Arborophila rufogularis | IIB | ||
2 | Gà so họng trắng | A. brunneopectus | IIB | ||
3 | Gà so trung bộ | A. merlini | IIB | ||
4 | Gà lôi trắng | Lophura nycthemera | IB | LR cd | |
5 | Gà lôi hông tía | L. diardi | IIB | VU | NT |
6 | Gà tiền mặt đỏ | Polyplectron germaini | IB | VU | NT |
7 | Trĩ sao | Rheinartia ocellata | IB | VU | NT |
II. Bộ Sả | II.Coraciformes: | ||||
2. Họ Hồng hoàng | 2. Bucerotidae | ||||
8 | Hồng hoàng | Buceros bicornis | IB | VU | NT |
9 | Niệc nâu | Ptilolaemus austeni | IB | VU | NT |
10 | Niệc mỏ vằn | Aceros undulatus | IB | VU | |
III. Bộ Cú | III. Strigiformes: | ||||
3. Họ Cú | 3. Strigidae | ||||
11 | Cú mèo núi | Otus spilocephalus | IIB | ||
12 | Cú mèo khoang cổ | O. bakkamoena | IIB | ||
13 | Cú mèo nhỏ | O. sunia | IIB | ||
14 | Cú vọ mặt trắng | Glaucidium brodiei | IIB | ||
15 | Cú vọ | G. cuculoides | IIB | ||
16 | Hù | Strix leptogrammica | IIB | ||
17 | Cú vọ lưng nâu | Ninox scutulata | IIB | ||
4. Họ Cú muỗi | 4. Caprimulgidae | ||||
18 | Cú muỗi lưng xám | Caprimulgus affinis | IIB | ||
19 | Cú muỗi ấn độ | C. jokata | IIB | ||
20 | Cú muỗi đuôi dài | C. macrurus | IIB | ||
IV. Bộ Cắt | IV. Falconiformes: | ||||
5. Họ Ưng | 5. Accipitridae | ||||
21 | Diều ăn ong | Pernis ptilorhynchus | IIB | ||
22 | Diều trắng | Elanus caeruleus | IIB | ||
23 | Diều hoa miến điện | Spilornis cheela | IIB | ||
24 | Ưng xám | Accipiter badius | IIB | ||
25 | Ưng ấn độ | A. trivirgatus | IIB | ||
26 | Nisaetus nipalensis | IIB | |||
27 | Đại bàng mã lai | Ictinaetus malayensis | IIB | ||
28 | Diều nhật bản | Buteo burmanicus | IIB | ||
29 | Diều ấn độ | Butastur indicus | IIB | ||
6. Họ Cắt | 6. Falconidae | ||||
30 | Cắt bụng hung | Falco severus | IIB | ||
V. Bộ Sẻ | V. Passeriformes: | ||||
7. Họ Trèo cây | 7. Sittidae | ||||
31 | Trèo cây mỏ vàng | Sitta solangiae | LR cd | NT | |
8. Họ Khướu | 8. Timaliidae | ||||
32 | Khướu vằn đầu đen | Actinodura sodangorum | VU | VU | |
33 | Kim oanh tai bạc | Mesia argentauris | IIB | ||
34 | Mi núi bà | Crocias langbianus | IIB | EN | EN |
35 | Khướu đầu trắng | Garrulax leucolophus | IIB | ||
36 | Khướu đầu xám | G. vassali | IIB | ||
37 | Khướu đầu đen | G. milleti | IIB | LR cd | NT |
38 | Khướu bạc má | G. chinensis | IIB | ||
49 | Khướu đuôi đỏ | G. milnei | IIB | ||
40 | Khướu mỏ dài | Rimator danjoui | LR cd | NT | |
41 | Khướu ngọc linh | Trochalopteronngoclinhense | IB | VU | VU |
Ghi chú:
SĐVN, 2007: VU (Sẽ nguy cấp); EN (Nguy cấp); LR cd (Ít nguy cấp).
IUCN, 2013: EN (Nguy cấp); EN (Nguy cấp); NT (Sắp bị đe dọa).
Nghị định 06/2019/NĐ-CP: IB (Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại); IIB (Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).
Các số liệu phân tích trên đây cho thấy tầm quan trọng của khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đối với công tác bảo tồn các loài chim đang bị đe dọa diệt vong ở cấp quốc gia và quốc tế. Các loài chim có giá trị bảo tồn cao đều có số lượng cá thể rất ít hoặc hiếm.
Trong thời gian qua, Khu bảo tồn thiên nhiên đã phối hợp với các Đoàn nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước tiến hành các hoạt động nghiên cứu Khu hệ chim, tiến hành xác định loài và thực hiện làm tiêu bản một số loài chim phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Trong thời gian tới, đơn vị cần tăng cường năng lực, trang thiết bị cho các cán bộ khoa học của Khu BTTN để có thể nghiên cứu sâu hơn về Khu hệ chim trong Khu bảo tồn.Tiến hành các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương trong khu vực nhằm tuyên truyền tầm quan trọng của các loài chim đang bị đe doạ./.
Một số hình ảnh Khu hệ chim ghi nhận ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh:
Khướu Ngọc Linh (Trochalopteron ngoclinhensis); Ảnh: Lê Mạnh Hùng
Nằm trong Danh lục nhóm IB Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Cú vọ mặt trắng (Glaucidium brodiei); Ảnh: Đinh Văn Dũng
Nằm trong Danh lục nhóm IIB Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Khướu đuôi đỏ (Trochalopteron milnei);Ảnh: Đinh Văn Dũng
Hút mật đuôi xanh (Aethopiga nipalensis); Ảnh: Đinh Văn Dũng
Lách tách Đông Dương (Fulvetta danisi); Ảnh: Đinh Văn Dũng.
Đớp ruồi trán đen (Niltava macgrigoriae); Ảnh: Đinh Văn Dũng
Lê Hữu Tuấn, Ban quản lý Khu BTTN Ngọc Linh.