A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật tổng hợp về An toàn sinh học trong chăn nuôi lợn

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTHCP) vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại các huyện Đắk Hà, Sa Thầy, Ia H’Drai, TP Kon Tum và có xu hướng lây lan vào các cơ sở chăn nuôi lợn với qui mô lớn. Nguyên nhân lây truyền mầm bệnh có rất nhiều yếu tố như trực tiếp, gián tiếp, bao gồm cả con người, các loài vật nuôi, chim hoang dã, chuột, côn trùng,....

Mật độ virus DTHCP lưu hành ở môi trường đặc biệt tại các điểm xảy ra dịch rất cao, nếu không thực hiện tốt các biện pháp An toàn sinh học, nguy cơ xâm nhiễm vào các trại chăn nuôi heo là rất lớn và khó lường trước được. Do đó, một trong những giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là “Chăn nuôi an toàn sinh học”.

Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về An toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn tỉnh Kon Tum như sau:

1. Yêu cầu về chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi

1.1. Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi...);

1.2. Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi;

1.3. Nên có ô chuồng nuôi cách ly: nuôi lợn mới nhập hoặc nuôi lợn bị bệnh;

1.4. Có khu vực gom và xử lý chất thải; thường xuyên phun thuốc diệt ruồi, muỗi.

1.5. Phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ xung quanh chuồng nuôi.

1.6. Không để nước tù đọng, nên che đậy nguồn nước quanh chuồng trại.

2. Yêu cầu về nhập con giống

- Trường hợp nhập lợn từ các tỉnh khác vào tỉnh Kon Tum để nuôi, yêu cầu lợn con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, được xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh và kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

 

- Trường hợp lợn con giống chuyển từ huyện này qua huyện khác trên địa bàn tỉnh, phải có nguồn gốc rõ ràng và có xác nhận của chính quyền địa phương nơi xuất phát.

Con giống khi nhập về phải có nguồn gốc, địa chỉ, xuất xứ và phải có chứng nhận Cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

 

Lợn vận chuyển từ tỉnh khác vào Kon Tum hay Kon Tum đi các tỉnh phải có phương tiện vận chuyển chuyên dụng và phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch

3. Yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng

- Áp dụng phương thức quản lý “cùng vào- cùng ra” theo thứ tự ưu tiên: dãy chuồng, ô chuồng.

- Có quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển.

- Nên sử dụng các chế phẩm sinh học bổ sung trong nước uống, chất độn chuồng và định kỳ phun sương trong chuồng nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường phòng, chống dịch.

4. Yêu cầu về thức ăn, nước uống

a. Nguồn thức ăn: phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng, tốt nhất là vận chuyển trực tiếp từ công ty bằng xe chuyên dụng và thực hiện tiêu độc sát trùng trước và sau khi ra vào trại, thức ăn chuyển vào kho nên thực hiện sát trùng bằng đèn UV (đèn cực tím nếu có) để tiêu diệt các loại mầm bệnh vi sinh vật hoặc phải kiểm tra kỹ nhãn mác, hạn sử dụng...

Chú ý:

- Bảo quản thức ăn và thuốc phải riêng biệt;

- Thức ăn nhập vào trước dùng trước, nhập vào sau dùng sau;

- Không bảo quản thức ăn lẫn với các hóa chất độc hại như: phân bón, thuộc diệt cỏ, thuốc trừ sâu...;

- Bảo quản trong điều kiện thích hợp, tránh mọt, mốc và các động vật như chim, chuột xâm nhập; kiểm tra tường bao trước khi bảo quản thức ăn.

b. Nước uống: phải đảm bảo sạch sẽ, thường xuyên bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho vật nuôi nhất là trong tình hình dịch bệnh bùng phát như hiện nay; không sử dụng nước sông, mương, ao hồ bên ngoài cơ sở chăn nuôi để tắm rửa hoặc cho lợn uống.

 5. Yêu cầu vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi

- Hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi;

- Trước và sau khi vào, ra khu vực chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy, dép vào hố khử trùng.

- Chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào khu vực chăn nuôi, chuồng nuôi phải bổ sung hoặc thay hàng ngày, cần thay đổi các loại chất sát trùng để tăng hiệu quả sát trùng.

- Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực chăn nuôi ít nhất 2 lần/tuần; chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi chưa có dịch; và 2 lần/ tuần khi có dịch bệnh.

- Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng.

- Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc, khử trùng thường xuyên.

 

- Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn vào nuôi. Trong trường hợp chuồng bị bệnh, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

 

6. Yêu cầu về kiểm soát phương tiện vận chuyển

- Phương tiện vận chuyển trước và sau khi vào chuồng, khu vực chăn nuôi phải được khử trùng, tiêu độc. Chú ý, không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn đến khu vực nuôi lợn.

- Nên có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, trường hợp dùng chung thì phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi sử dụng.

7. Yêu cầu về xử lý chất thải chăn nuôi

- Chất thải được gom để xử lý phải để cuối chuồng, xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước.

- Chất thải phải được gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hóa chất, hoặc xử lý bằng sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh theo quy định.

- Các chất lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng. Chất thải lỏng phải được xủa lý bằng hóa chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học Biogas...

8. Yêu cầu về quản lý dịch bệnh

- Có quy trình phòng bệnh phù hợp từng loại lợn và thực hiện đúng quy trình. Trong trường hợp có dịch, phải khai báo chính quyền địa phương và thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh theo quy định.

- Cách ly lợn ốm để có biện pháp xử lý kịp thời, ngừng xuất lợn giống và kiểm soát chặt việc xuất sản phẩm, vật tư trong khu vực chăn nuôi lợn ra ngoài theo quy định.

- Khi xảy ra dịch tại ô chuồng hay cả chuồng cần tiêu độc, khử trùng tại chỗ.

- Thực hiện triệt để nguyên tắc “5 không”:

+ Không giấu dịch;

+ Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết;

+ Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết;

+ Không vứt xác lợn chết ra môi trường;

+ Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt (nấu chín). 

Phạm Mạnh Cường – Chi cục Chăn nuôi và Thú y


Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 17 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 224
Hôm qua : 332
Năm 2024 : 157.808
Năm trước : 296.797
Tổng số : 745.115