Tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu tỉnh Kon Tum
Kết quả giai đoạn năm 2016-2020, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và trường tiêu thụ nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp đã tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nước và thế giới để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như công nghệ sinh học, hệ thống trồng trọt, chăn nuôi thông minh; công nghệ số hóa trong quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ,... trên diện tích gần 8.000 ha cây trồng, 17.100 con gia súc, gia cầm; 40 ha nuôi trồng thủy sản. Kết quả đã mang lại lợi nhuận cao hơn 1,2-1,5 lần so với nông nghiệp truyền thống, tạo giá trị trên 580 tỷ đồng trong tổng số 3.400 tỷ đồng giá trị sản phẩm nông lâm thuỷ sản toàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) và chiếm tỷ trọng 17,16% trong nội ngành nông nghiệp.
Ngày 25 tháng 11 năm 2021, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm khắc phục một số hạn chế và phát huy những kết quả đạt được trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn năm 2016-2020, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm và lĩnh vục đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, Nghị quyết đã xác định mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đến năm 2025 đạt 20-25%, và đến năm 2030 đạt 25-30% giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hình thành 05-10 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 07-15 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút 05 dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 05-10 cơ sở chế biến sâu có sức cạnh tranh cao và xây dựng được ít nhất 10 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Đồng thời, Nghị quyết đã xác định 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng gồm tuyên truyền, vận động, công tác quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế chính sách; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển thị trường, hỗ trợ xuất khẩu nông sản; huy động nguồn lực cho đầu tư; ứng dụng khoa học công nghệ. Đây là cơ sở để ngành nông nghiệp cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại Hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2025.
Trần Văn Cao Sơn