Giới thiệu và triển khai Luật Lâm nghiệp
Đ/c Nguyễn Tấn Liêm Phát biểu khai mạc hội nghị
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, Công ty Lâm nghiệp, Ban Quản lý, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành phố, …. Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Cao - Chủ nhiệm Câu lạc bộ, đồng chí Nguyễn Tấn Liêm - Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật lâm nghiệp.
Ngày 15/11/2017 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, thay thế Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11, Luật Lâm nghiệp có 12 Chương, 108 Điều, tăng 4 Chương và 20 Điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.
Quang cảnh hội nghị
Theo đó, Luật đã quy định mở rộng về phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản.
Theo luật có 2 hình thức sở hữu rừng: Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu gồm rừng tự nhiên; rừng trồng do Nhà nước đầu tư; rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật và Rừng thuộc sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gồm rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy đinh của pháp luật.
Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác do Chính phủ phê duyệt.
Quy định về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh được giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với tổ chức; cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thuê đất để trồng rừng sản xuất. Còn thẩm quyền của UBND cấp huyện được giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với hộ gia đình, cá nhân; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với cộng đồng dân cư.
Trường hợp trong khu vực thu hồi rừng có cả đối tượng quy định như giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với tổ chức; Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với hộ gia đình, cá nhân; Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với cộng đồng dân cư thì UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi rừng hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi rừng.
Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng.
Cũng tại Hội Nghị đã có nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết hành hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; dự kiến trong năm 2018 sẽ ban hành 04 Nghị định và 04 Thông tư để thực hiện Luật Lâm nghiệp./.
Bùi Đức Trung