A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao sức mạnh cộng đồng trong sản phẩm OCOP

“Sức mạnh cộng đồng” là một trong những tiêu chí quan trọng và được nhấn mạnh trong Bộ tiêu chí mới đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn hiện nay. Việc nâng cao vai trò và giá trị cộng đồng trong sản phẩm OCOP góp phần thúc đẩy liên kết trong sản xuất, sử dụng nguyên liệu, lao động địa phương, khai thác các giá trị văn hóa để tăng giá trị và sức hút cho sản phẩm OCOP.

Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình OCOP được triển khai đồng bộ, đã lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, giá trị văn hóa từng vùng để hình thành các sản phẩm OCOP. Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch, xây dựng được các vùng nguyên liệu, bảo tồn và phát triển nhiều nghề truyền thống; huy động được sự tham gia của một số hợp tác xã.

Việc nâng cao điểm số về sức mạnh cộng đồng trong sản phẩm OCOP giúp các chủ thể, địa phương chú trọng khai thác giá trị văn hóa, yếu tố cộng đồng. Ảnh: TH

Toàn tỉnh hiện có 188 sản phẩm OCOP còn thời hạn đạt chuẩn 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng, nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, đa số các sản phẩm OCOP của tỉnh ta còn thiếu sức mạnh cộng đồng.

Sức mạnh cộng đồng của sản phẩm OCOP được đánh giá dựa trên các tiêu chí thành phần, gồm: Sử dụng nguyên liệu, lao động địa phương, liên kết sản xuất, bản sắc văn hóa, sức mạnh tinh thần địa phương trong sản phẩm...Vì thế, ngoài việc sử dụng nguyên liệu, lao động địa phương, các sản phẩm OCOP phải thể hiện được rõ nét bản sắc văn hóa đặc trưng, tính riêng biệt cũng như sức mạnh chung của cộng đồng địa phương- nơi sản phẩm bắt rễ. Qua đó, thu hút sự chú ý cũng như chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng, trở thành một phần lý do để họ mua hàng.

Có thể nói, sản phẩm OCOP là đặc trưng của cộng đồng, nhưng trên thực tế, hầu hết sản phẩm được công nhận lại đơn lẻ, thiếu liên kết, hàm lượng giá trị cộng đồng trong sản phẩm chưa cao. Đa số các sản phẩm mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng nguyên liệu, lao động địa phương, ít có sản phẩm OCOP thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa đặc trưng, tính riêng biệt cũng như sức mạnh chung của cộng đồng địa phương. Vì thế, những câu chuyện đi kèm sản phẩm nghèo nàn, kém hấp dẫn, làm giảm sức hút và khả năng tiếp thị, cạnh tranh của sản phẩm.

Do đó, việc nâng cao vai trò, sức mạnh cộng đồng trong sản phẩm OCOP là điều cần thiết để Chương trình mỗi xã một sản phẩm thực sự góp phần khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế và cả bản sắc văn hóa của các địa phương, đóng góp phát triển kinh tế -  xã hội ở các vùng nông thôn.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng là rào cản lớn nhất trong triển khai các dự án. Ảnh: TH

Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, từ năm 2023  tiêu chí sản phẩm và sức mạnh của cộng đồng trong đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được nâng từ 35 điểm lên 40 điểm; trong khi đó, tiêu chí về chất lượng sản phẩm lại được hạ từ 40 điểm xuống 35 điểm.

Bên cạnh đó, quy định mới còn bổ sung thêm một số yếu tố về khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào DTTS…nhằm phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang phát triển đa ngành, hình thành sản phẩm tích hợp “đa giá trị”.

Dễ dàng nhận ra rằng, sự thay đổi trong quy định cho thấy các chủ thể OCOP không chỉ tập trung về chất lượng mà còn phải chú trọng đến những vấn đề về vai trò, lợi ích, giá trị của cộng đồng trong từng sản phẩm. Việc nâng điểm số sức mạnh cộng đồng và khai thác các giá trị văn hóa sẽ giúp tạo tính riêng biệt, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP, mở ra cơ hội để các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa có thêm điều kiện để xúc tiến thương mại các sản phẩm của mình. Đồng thời, giúp nông dân có điều kiện liên kết, hợp tác để sản xuất ra sản phẩm OCOP, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào DTTS, tiếp sức tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, việc khai thác nguồn nguyên liệu, các yếu tố truyền thống, giá trị văn hóa các dân tộc, lợi thế riêng biệt của từng địa phương để tạo sức mạnh cộng đồng cho sản phẩm OCOP là giải pháp quan trọng tăng sức hấp dẫn, tính cạnh tranh của sản phẩm. Từ đó, nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP và tạo dựng chỗ đứng cho sản phẩm OCOP của từng địa phương trên thị trường.       

Thiên Hương


Nguồn:https://www.baokontum.com.vn/kinh-te/nang-cao-suc-manh-cong-dong-trong-san-pham-ocop-35292.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 28
Hôm qua : 640
Năm 2024 : 78.926
Năm trước : 296.797
Tổng số : 666.233