TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI VÀ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM TRONG NĂM 2024
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh Kon Tum có nhiều chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, chăn nuôi tập trung theo hướng khép kín, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng. Một số công ty đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh như Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Ma Vin, Greenfeed, Japfa, Công ty CJ đầu tư lĩnh vực chăn nuôi heo hay Tập đoàn TH đầu tư lĩnh vực chăn nuôi bò sữa ... Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong tỉnh thời gian qua có xu hướng tăng trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.
Từ những nỗ lực của ngành chăn nuôi, thú y và sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp các ngành, kết quả đến hết năm 2023 tổng đàn gia súc đạt 284.255/277.280 con đạt 102,51% so với kế hoạch (trong đó: đàn trâu 24.100/24.100 con đạt 100% so với kế hoạch, đàn bò 85.120/85.000 con đạt 100,14 % so với kế hoạch, đàn lợn 175.035/168.180 con đạt 104,07 % so với kế hoạch); tổng đàn gia cầm 2.083.000 con.
Hình ảnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học, và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi
Tuy nhiên, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn tồn tại một số khó khăn như: chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, thả rông gia súc vẫn còn phổ biến; phát triển chăn nuôi phần lớn là tự phát, chăn nuôi chưa gắn với nhu cầu của thị trường tiêu thụ; tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn còn xảy ra nhỏ lẻ, rãi rác ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh; việc thống kê, rà soát tổng đàn gia súc (trâu, bò, bê nghé) trên địa bàn ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, do gia súc ở trong rừng sâu, không được chăn dắt, kiểm soát; dẫn đến tổng đàn gia súc hiện tại còn thấp so với thực tế tương đối lớn.
Tại Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2024 và Nghị quyết số 61/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2024; trong đó chỉ tiêu phát triển đàn gia súc năm 2024 trên địa bàn tỉnh là 317.600 con (trong đó: đàn trâu 25.000 con; đàn bò 100.000 con; đàn lợn 192.600 con). Xác định đây là một nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương phải quan tâm chỉ đạo triển khai ngay từ đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2024 về triển khai các biện pháp phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2024 và Kế hoạch số 748/KH-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2024 triển khai nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn năm 2024. Theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể như sau:
Đối với các huyện, thành phố: Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu chăn nuôi năm 2024. Trong đó cần rà soát thống kê đàn trâu, bò (kể cả bê, nghé), ưu tiên bố trí nguồn kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ con giống trâu bò; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh con giống, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh giống vật nuôi; tuyên truyền, khuyến khích người chăn nuôi chuyển dịch cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi với quy mô trang trại...; triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Đối với công tác phòng chống dịch bệnh động vật yêu cầu các địa phương tiếp tục chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi (kể cả thủy sản) và bệnh truyền lây từ động vật sang người theo quy định của pháp luật.
Hình ảnh chăn nuôi trâu, bò tại huyện Tu Mơ Rông
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi (kể cả thủy sản); kiểm tra, hướng dẫn, triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh...; kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân; tổ chức hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện việc phát triển đàn trâu, bò phù hợp với thực tế, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra.
Hình ảnh công tác tiêm phòng cho đàn trâu, bò tại huyện Đăk Glei.
Bên cạnh đó Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ theo chức năng của từng đơn vị đối với các Sở ban ngành trong tỉnh như Sở Y Tế, Sở Công Thương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 29 tháng 1 năm 2024 trên địa bàn tỉnh, nhằm tổ chức, triển khai đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn năm 2024.
Đỗ Thị Kim Giao: Phó phòng Chăn nuôi, thú y - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum