A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng vụ mùa năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

HƯỚNG DẪN
Hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng
vụ mùa năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
 
 
 
Theo nhận định của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Kon Tum, mùa mưa năm 2022 có khả năng đến sớm hơn so với quy luật nhiều năm, phổ biến các khu vực trong Tỉnh có mùa mưa năm 2022 bắt đầu vào khoảng cuối tháng 04, đầu tháng 05; riêng khu vực các huyện Kon Plong, phía Đông của huyện Tu Mơ Rông và phía Bắc huyện Đăk Glei mùa mưa bắt đầu trong khoảng tuần cuối tháng 05. Từ nửa cuối tháng 04 năm 2022, mưa dông xuất hiện nhiều hơn, trong cơn mưa dông có nguy cơ cao xảy ra tố lốc, sấm sét, mưa đá nguy hiểm.
Nhiệt độ trung bình trong các tháng khả năng đạt mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ trong các tháng 05, 06, 10; đạt cao hơn TBNN cùng kỳ trong các tháng 07, 08, 09 năm 2022.
Độ ẩm các tháng đạt xấp xỉ và cao hơn so với TBNNCTK, duy trì ở mức 75 - 85% trong các tháng 05, 06; từ tháng 07 đến tháng 10 độ ẩm có xu hướng tăng dần và đạt 80 - 90%. Số giờ nắng ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNNCTK, đạt 150 - 200 giờ/tháng trong tháng 05; từ tháng 06 đến tháng 10 số giờ nắng có xu hướng giảm dần và đạt 100 - 180 giờ/tháng.
Từ giữa tháng 04 đến tháng 06/2022, cần đề phòng có tố, lốc, sét, mưa đá xuất hiện trong các trận mưa dông chuyển mùa và đầu mùa. Từ tháng 07 đến tháng 10, có nguy cơ xuất hiện từ 01-02 đợt gió mạnh (do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới), từ 05 - 06 đợt mưa lớn trên diện rộng gây lũ quét, sạt lở đất, lũ trên các sông, ngập lụt ở các vùng trũng thấp.
Để các huyện, thành phố chủ động xây dựng lịch thời vụ gieo trồng cụ thể của địa phương, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết cho sản xuất vụ mùa năm 2022 khi gặp điều kiện thuận lợi, hạn chế những rủi ro do thời tiết trong sản xuất trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn bố trí cơ cấu giống một số cây trồng chính và khung thời vụ gieo trồng vụ mùa 2022 như sau:
I. CƠ CẤU GIỐNG
1. Giống lúa
- Khuyến cáo nông dân tập trung sử dụng giống lúa xác nhận đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho phép sản xuất kinh doanh, phù hợp với điều kiện các tiểu vùng sinh thái của tỉnh; có nguồn cung ứng giống lúa chủ động; có năng suất, phẩm chất cao, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt. Những vùng có nguy cơ thiếu nước tưới hoặc nguy cơ ngập úng vào cuối vụ nên bố trí giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, cực ngắn ngày (dưới 90 ngày trở lại). Đối với những vùng chủ động có đủ nước tưới nên bố trí sản xuất những giống có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày, giống lúa thuần, lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh.
- Trên cơ sở cơ cấu giống lúa chung của tỉnh, các huyện, thành phố tùy theo điều kiện cụ thể và thực tiễn sản xuất của địa phương xác định cơ cấu giống lúa cho phù hợp. Ngoài ra, các địa phương có thể bố trí từ 5-10% diện tích sản xuất giống lúa mới, triển vọng và giống đặc thù địa phương để chọn lọc giống phù hợp, đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT bổ sung vào cơ cấu trong những năm tiếp theo.
- Sử dụng những giống lúa chất lượng cao, lúa thơm. Đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt. Mỗi huyện, thành phố nên lựa chọn 2-3 giống chủ lực, thích nghi cao và có thị trường tiêu thụ ổn định.
1.1. Giống lúa nước:
- Đối với các xã vùng Tây Trường Sơn:
+ Giống chủ lực: HT1, BC15, RVT TBR45, TBR 36, Nhị ưu 838, Đài thơm 8,...
+ Giống bổ sung: VD 20, Nghi hương 2308, TBR 36, VNR 20, Hương cốm, ST24, ST25...
- Đối với vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly, Plei Krông: Sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày như: IR56279, VND 95-20, SH2...
- Đối với các xã vùng Đông Trường Sơn: Sử dụng những giống lúa chịu lạnh, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chịu phèn và chống chịu sâu bệnh như:  VND 95-20, IR56279,…
- Đối với những vùng thường bị bệnh đạo ôn và nhiễm rầy trong những vụ trước nên chọn những giống kháng bệnh đạo ôn và kháng rầy.
1.2. Giống lúa cạn:
Sử dụng một số giống lúa cạn có thời gian sinh trưởng ngắn 100-110 ngày, năng suất cao, có khả năng chịu hạn tốt, khả năng phục hồi sau hạn nhanh, chịu thâm canh, có khả năng thích ứng sinh thái rộng, có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh thối thân, chất lượng và tỷ lệ gạo cao, hạt trong dài như LC93-1, LC93-4, LC227, LC408,.... Ngoài ra còn có thể sử dụng một số giống lúa cạn địa phương như Xà kơn, lúa lốc,…
Lúa cạn có thể trồng xen với diện tích cà phê, cao su,… trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, chưa khép tán hoặc gieo cấy trên chân đất bằng 1 vụ, không chủ động nước hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời.
2. Giống ngô
Bố trí cơ cấu giống hợp lý, nhất là ở những vùng đất cao, trồng vụ 2 với các giống chịu hạn, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, phẩm chất tốt, đặc biệt là:  LVN61, VN12, Bioseed B21 và một số giống như: CP888, CP989, CP999, LVN10, DK 6919, Bioseed 9698, Bioseed 265,.… và một số giống ngô nếp sử dụng ăn tươi như VN2, VN6, MX4, nếp nù,…
Đối với sản xuất trên đất bán ngập sử dụng một số giống ngô lai chín sớm, ngắn ngày, chịu hạn, chống chịu sâu bệnh như giống ngô lai đơn Bioseed B21, LVN61,…
3. Giống sắn
Bố trí các giống sắn sạch bệnh có năng suất cao, hàm lượng tinh bột cao, ít nhiễm bệnh chổi rồng và bệnh khảm lá sắn do virus như: KM 94, KM140, KM419,...
Sử dụng các dòng giống kháng hoàn toàn với bệnh khảm lá do Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo, gồm: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80 và HN97 năng suất khá (38-64 tấn/ha), tinh bột cao (26-30%); kháng bệnh khảm lá (100%).
4. Giống cao su
Sử dụng các dòng cao su vô tính PB 260, PB 312, PB 255, RRIC 121,… có sức đề kháng với bệnh phấn trắng (do nấm Oidium heveae gây ra) theo khuyến cáo  của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
5. Giống cà phê
- Cà phê vối: Đối với vườn cà phê vối trồng mới, tái canh, ghép cải tạo giống mới cần sử dụng một số dòng vô tính cà phê: TRS1, TR4, TR5, TR9, TR11,..., giống lai đa dòng có kích thước hạt to, năng suất cao, kháng bệnh gỉ sắt, chín tập trung,… đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận được phép sản xuất kinh doanh.
- Cà phê chè: Sử dụng một số giống cà phê lai TN1, TN2, dòng thuần TH1 kích thước hạt lớn, năng suất và chất lượng cao, thích nghi rộng, kháng được bệnh gỉ sắt đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận được phép sản xuất kinh doanh.
6. Giống cây ăn quả
Khuyến cáo sử dụng giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao, giống sạch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có cam kết chất lượng cây giống với đơn vị cung ứng. Không mua và sử dụng các giống cây ăn quả trôi nổi trên thị trường, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cụ thể:
- Giống Sầu riêng: Sầu riêng Musang King, Sầu riêng Moothong, Sầu riêng hạt lép...
- Giống Mít: Mít Thái, Mít Nghệ tứ quý, Mít Tố nữ, Mít không hạt, Mít ruột đỏ, Mít Malaysia,...
- Giống Bưởi: Bưởi da xanh, Bưởi Diễn, Bưởi Năm roi, Bưởi Đường chín sớm...
- Giống Cam: Cam Sành, Cam Xã Đoài, Cam Mật, Cam Vinh...
- Giống Chuối nuôi cấy mô: Chuối Tiêu Hồng, chuối Già Nam Mỹ, chuối Sứ...
- Giống Xoài: Xoài Cát Hòa Lộc, Xoài Thái, Xoài Tượng,..
- Giống Chanh dây: Đài Nông 1, Thông Đỏ,...
II. THỜI VỤ GIEO TRỒNG MỘT SỐ CÂY TRỒNG CHÍNH
1. Cây lúa
Bố trí thời vụ gieo cấy sao cho phù hợp với thời kỳ cây lúa trổ bông, phơi màu vào cuối tháng 08, đầu tháng 09 năm 2022 là thích hợp nhất.
1.1. Cây lúa nước
* Đối với vùng Tây Trường Sơn:
- Lúa cấy: Gieo mạ từ ngày 20/05 - 05/06/2022, cấy từ ngày 05/06 - 20/06/2022.
- Lúa sạ: Gieo từ ngày 15/05 - 10/06/2022.
* Đối với các xã vùng Đông Trường Sơn:
- Lúa cấy: Gieo mạ từ ngày 15/05 - 30/05/2022, cấy từ ngày 10/06 - 30/06/2022
- Lúa sạ: Gieo từ ngày 01/06 - 20/06/2022.
* Đối với ruộng lúa 1 vụ: Đủ nước tới đâu gieo cấy đến đó, nên gieo sớm và tập trung dứt điểm trước ngày 10/07/2022.
1.2. Lúa cạn: Khung thời gian gieo sạ từ ngày 10/05 - 25/05/2022, khi đất đủ ẩm và số lần mưa tương đối đều.
2. Cây hàng năm khác
Cần chuẩn bị tốt khâu làm đất, giống để khi đất đủ ẩm và mưa đều có thể xuống giống kịp thời.
- Ngô vụ 1: Gieo từ ngày 05/05 - 25/05/2021 (khi đất đủ ẩm); Ngô vụ 2: Gieo từ ngày 30/07 - 15/08/2022.
- Sắn, đậu đỗ các loại: Khung thời vụ gieo trồng từ 25/04 - 30/05/2022 (khi đất đủ ẩm).
3. Các loại cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả lâu năm
Thời vụ trồng tập trung vào đầu tháng 06 đến 15/07/2022 và kết thúc trồng dặm trước 15/8/2022.
III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT CẦN LƯU Ý ĐỂ SẢN XUẤT CÂY TRỒNG VỤ MÙA 2021 SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN THUẬN LỢI
1. Đối với cây lúa
- Khẩn trương rà soát kế hoạch diện tích gieo trồng vụ Mùa 2022 trên cơ sở cân đối nguồn nước và khả năng khai thác các nguồn tưới bổ sung, chủ động khoanh vùng sản xuất lúa, màu, vùng chuyển đổi cây trồng để có các giải pháp tập trung chỉ đạo:
+ Tranh thủ làm đất xuống giống tập trung, nhanh gọn khi đất đủ ẩm để né tránh khô hạn có thể xảy ra vào cuối vụ Mùa 2022. Vùng an toàn nguồn nước cho sản xuất tập trung canh tác đúng lịch thời vụ;
+ Vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho cây trồng vào cuối mùa vụ cần tập trung bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của khô hạn đến sản xuất lúa.
+ Đẩy mạnh chuyển đổi ở vùng trồng lúa có khả năng thiếu nước vào cuối vụ sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm nước tưới.
- Sau khi thu hoạch lúa Đông xuân, vận động nhân dân ra đồng diệt chuột; tiến hành vệ sinh đồng ruộng, nạo vét, tu bổ kênh mương nội đồng...
- Vận động nhân dân triển khai làm đất sớm (cày ải, vệ sinh đồng ruộng,...).
+ Cày ải phơi ruộng 7-10 ngày trước khi làm đất xuống giống. Việc cày, xới và phơi ải đất kỹ nhằm cải tạo độ phì của đất làm cho đất tơi xốp, giúp cho bộ rễ phát triển tốt. Đồng thời, sẽ tạo ra khoảng trống về thời gian để cắt dòng lưu truyền rầy nâu gây hại và một số sâu bệnh khác trên đồng ruộng.
+ Vệ sinh đồng ruộng bằng biện pháp cày bừa kỹ, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước và đảm bảo thời gian cách ly giữa hai vụ lúa ít nhất từ 20-30 ngày để phòng tránh lúa bị ngộ độc hữu cơ, hạn chế nguồn dịch bệnh. Khuyến cáo nông dân bón vôi cải tạo đất đối với những chân ruộng bị chua, phèn.
- Vận động nhân dân tranh thủ làm đất xuống giống tập trung, đồng loạt theo từng khu vực, từng cánh đồng, nhanh gọn khi đất đủ ẩm để tránh hạn có thể xảy ra vào cuối vụ.
- Tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các vùng sản xuất lúa đảm bảo điều kiện, diện tích lớn, ứng dụng tổng hợp nhiều giải pháp kỹ thuật trong canh tác. Triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất lúa như giảm lượng giống gieo sạ, giảm thuốc trừ sâu, giảm lượng phân bón phù hợp, tiết kiệm nước tưới, áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến.
- Tranh thủ nguồn nước để tưới đủ cho 03 lần bón phân và thời kỳ trỗ. Tăng cường sử dụng phân chuồng, các loại phân hữu cơ để cải tạo đồng ruộng và khuyến cáo nông dân bón phân vừa đủ, cân đối, dùng bảng so màu lá lúa để bón đạm.
- Hướng dẫn nông dân tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM,1 phải 5 giảm, canh tác lúa cải tiến SRI… Khuyến cáo sử dụng thuốc sinh học và hạn chế phun thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học sớm (từ khi gieo đến 45 ngày tuổi).
Đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp nắm chắc tình hình đồng ruộng và dự tính dự báo kịp thời quy luật phát sinh, phát triển các đối tượng dịch hại như rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ trĩ, bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen, chuột hại,... có biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng.
- Sau cấy hoặc gieo sạ từ 10-12 ngày, cần tranh thủ làm cỏ, sục bùn kết hợp bón thúc phân sớm để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh tập trung, hạn chế sâu bệnh. Giảm dần diện tích trồng lúa rẫy cho năng suất thấp, làm xói mòn đất và rửa trôi dinh dưỡng trong đất.
- Đối với vùng bán ngập lòng hồ Ya Ly, Plei Krông nên tranh thủ gieo trồng sớm khi nước bắt đầu rút và chấm dứt thời vụ gieo trồng trước ngày 15/05/2022. Cần theo dõi chặt chẽ thời gian tích nước của các nhà máy thủy điện (thông thường vào ngày 15/09 hàng năm) và bố trí gieo trồng đúng thời vụ để hạn chế những rủi ro do không thu hoạch kịp.
2. Đối với cây sắn
- Những diện tích đã trồng sắn nhiều năm, đất bạc màu cho năng suất thấp cần khuyến cáo các tổ chức, cá nhân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, hướng dẫn nông dân chăm sóc, bón phân trong 02-03 tháng đầu sau khi trồng hoặc trồng xen cây họ đậu cải tạo đất (đậu tương, đậu xanh, đậu đen, muồng hoa vàng, cây lạc dại,…) để đảm bảo canh tác sắn bền vững và có hiệu quả.
- Sử dụng nguồn giống sạch bệnh để trồng, tuyệt đối không sử dụng cây sắn trong vùng nhiễm bệnh khảm lá sắn, bệnh chổi rồng để làm giống; không vận chuyển hom giống từ vùng sắn bị bệnh chổi rồng và bệnh khảm lá sắn do virus đến các vùng trồng mới. Sử dụng các giống kháng bệnh của Viện Di truyền nông nghiệp để trồng mới.
 Trước khi trồng mới cần vệ sinh đồng ruộng và triệt để tiêu hủy nguồn cây sắn bị bệnh ở vụ trước trên đồng ruộng và trong quá trình chăm sóc nếu cây sắn mới trồng đã có biểu hiện triệu chứng của bệnh thì phải nhỏ bỏ và tiêu hủy.
- Tập trung chăm sóc vườn sắn ngay từ đầu vụ để cây sắn sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu bệnh; đồng thời thường xuyên thăm đồng, nắm tình hình bệnh khảm lá virus, bệnh chổi rồng để kiểm soát tình hình bệnh hại.
- Quản lý tốt nguồn giống sạch bệnh cho sản xuất và theo dõi phòng trừ có hiệu quả nhất đối với bọ phấn trắng, tác nhân gây bệnh vi rút khảm lá trên cây sắn.
3. Đối với cây màu như:  Ngô, lạc, vừng, rau đậu các loại…
Biện pháp canh tác cây rau màu tùy thuộc vào điều kiện đất đai, mùa vụ, hệ thống tưới tiêu, đối tượng cây trồng để xác định biện pháp kỹ thuật thâm canh hợp lý mới có hiệu quả cao:
-Trên đất chuyên màu: Cần chú trọng biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý và bón phân cân đối.
-Trên đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu: Cần chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, tuyệt đối không để úng cục bộ; lên băng liếp thông thoáng, tùy theo thành phần cơ giới đất và độ màu mỡ của đất để bón cân đối NPK, không để thừa đạm gia tăng sâu bệnh và năng suất thấp.
- Thời vụ: Bố trí xuống giống tùy thuộc vào mùa mưa đến sớm hay muộn theo từng vùng sinh thái và cơ cấu lại mùa vụ cây trồng cho phù hợp.
- Cơ cấu giống: Trên cơ sở điều kiện đất đai của mỗi địa phương, định hướng tiêu thụ theo nhu cầu thị trường, chọn giống phù hợp và hướng dẫn quy trình thâm canh để tăng năng suất, sản phẩm đạt chất lượng cao dễ tiêu thụ với giá bán cao.
- Chú ý theo dõi và phòng trừ hiệu quả sâu keo mùa thu đang có chiều hướng phát triển và lây lan nhanh trên các vùng trồng ngô.
4. Đối với một số cây công nghiệp dài ngày
- Tập trung chỉ đạo mạnh mẽ các biện pháp thâm canh và chuẩn bị các giải pháp phòng chống hạn trong mùa khô;
- Tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới tiết kiệm nước, sử dụng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với sự biến đổi của khí hậu, sản xuất an toàn, có chứng nhận. Đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ dịch hại, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu,...
- Tiếp tục rà soát diện tích cà phê già cỗi, xây dựng kế hoạch tái canh cụ thể đến từng khu vực, từng đối tượng sản xuất; có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh tái canh cà phê bằng giống mới có năng suất, chất lượng tốt.
- Trồng mới: Cần chuẩn bị đất kỹ như phát dọn thực bì, xử lý tàn dư thực vật cây trồng vụ trước để hạn chế mối phá hoại; đào hố kết hợp bón lót phân chuồng hoai, phân hữu cơ, phân lân trước khi trồng một tháng; trên đất có độ dốc lớn cần thiết kế hàng trồng theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn, thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch. Đối với cây cao su, sử dụng cây giống bầu đặt hạt hoặc cây bầu có tầng lá ổn định để trồng mới nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cao, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản của vườn cây.
- Đối với cao su, cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản: Tiến hành trồng dặm kịp thời trong năm đầu kiến thiết cơ bản bằng cây giống cao su bầu có 03 tầng lá trở lên; trồng xen một số cây ngắn ngày trong thời kỳ kiến thiết cơ bản khi cây chưa khép tán như lúa cạn, ngô và một số cây họ đậu (đậu tương, đậu đen, đậu xanh, lạc dại,..) để tăng thu nhập, cải tạo đất.
4. Đối với các loại cây ăn quả và Mắc ca
- Phát triển trồng mới cây ăn quả và Mắc ca là trồng tập trung, trồng thuần, diện tích đủ lớn, tập trung vào một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái, lập địa, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh; làm cơ sở để xây dựng chuỗi liên kết, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu và cấp Mã số vùng trồng theo đúng quy định của Luật Trồng trọt năm 2018.
- Tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất và chất lượng cây ăn quả; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật như tỉa cành, tạo tán, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, ..., sản xuất an toàn, có chứng nhận và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật rải vụ cho cây ăn quả để nâng cao hiệu quả sản xuất.
- Áp dụng quy trình trồng cây ăn quả, Mắc ca xen canh trong vườn cà phê để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích (sầu riêng, bơ, …) theo đúng Quyết định số 3702/QĐ-BNN-TT, ngày 24/9/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy trình trồng xen cây hồ tiêu, cây bơ, cây sầu riêng trong vườn cà phê vối và Quyết định số 3697/QĐ-BNN-TCLN, ngày 24/9/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Ban hành Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch quả và sơ chế hạt cây Mắc ca.
- Áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả thực hiện theo Quy trình VietGAP đã khuyến cáo theo nội dung Văn bản số 70/TT-CCN, ngày 19/01/2022 của Cục Trồng trọt về việc ban hành Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo VietGAP cho 10 loại cây ăn quả chủ lực.
  5. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa
- Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để tiết kiệm nguồn nước tưới là giải pháp quan trọng để ứng phó với tình hình hạn hán, đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân.
- Vùng có nước tưới khi chuyển đổi sang cây màu có hiệu quả kinh tế cao như:  Mía, lạc, vừng, ngô lai, rau đậu các loại,.. cần tập trung đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm;
- Trên đất lúa chuyển đổi cần quy hoạch bố trí gieo trồng tập trung cùng nhóm cây trồng như: Vùng ngô lai, vùng đậu đỗ các loại,...để dễ điều tiết nguồn nước tưới. 
6. Quản lý tốt nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả
- Nạo vét các kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; gia cố các bờ đập bơm tát, tiến hành kiểm tra và sửa chữa, tu bổ công trình;
- Tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu của cây trồng;
- Quán triệt đến từng địa bàn cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước;
- Phân loại diện tích và các loại cây trồng để có thứ tự ưu tiên cấp nước tưới, rút ngắn thời gian các đợt tưới, thực hiện tưới luân phiên, tưới ẩm;
 - Xây dựng, bổ sung, cập nhật phương án phòng chống hạn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó cần lưu ý việc bố trí kinh phí cho phòng chống hạn... nhất là những vùng có nguy cơ cao;
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể quần chúng để vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm. Thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp nước và sản xuất phù hợp với thực tế.
Trên đây là một số hướng dẫn về bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng vụ mùa 2022. Đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn nông dân trên địa bàn quản lý chuẩn bị tốt cho sản xuất vụ mùa 2022 đạt thắng lợi./. 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 978
Hôm qua : 1.066
Năm 2024 : 75.217
Năm trước : 296.797
Tổng số : 662.524