A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Cùng với việc tăng cường mở rộng, nâng cao số lượng đàn vật nuôi, từng bước hình thành vùng chăn nuôi hàng hóa, tập trung, ngành Nông nghiệp và các địa phương chú trọng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng của người dân trong phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, bệnh dịch tả lợn châu Phi, các bệnh lây truyền từ động vật sang người; tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện vệ sinh an toàn thú y đối với các cơ sở giết mổ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả Tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện tiêm phòng vắc- xin để nâng cao kháng thể cho đàn vật nuôi, vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh.

Hộ chăn nuôi tích cực thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Ảnh: T.H

Đến nay, các địa phương đã tổ chức phun 4.500 lít hóa chất tại các hộ chăn nuôi, khu vực giết mổ, bày bán động vật, sản phẩm động vật. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai cấp gần 8.000 liều vắc xin lở mồm long móng trâu, bò cho  huyện Tu Mơ Rông để triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc;  hướng dẫn huyện Sa Thầy tổ chức tiêm phòng vắc- xin dại cho đàn chó, mèo.

Cùng với ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương và người dân đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Tại huyện Đăk Hà- địa phương hiện có đàn gia súc, gia cầm khá lớn của tỉnh (trên 35.900 con gia súc, 250.000 gia cầm), công tác phòng bệnh cho gia súc, gia cầm được các cấp chính quyền và ngành chức năng đặc biệt chú trọng.

Theo đó, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động mua thuốc, tiêm phòng cho vật nuôi; bổ sung các loại thức ăn tinh, vitamin, thuốc bổ để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Việc chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi luôn được các hộ dân chú trọng. Ảnh: TH

Vừa qua, thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đăk Hà tổ chức phun 500 lít hóa chất; đồng thời, hướng dẫn hộ chăn nuôi vệ sinh, xử lý chuồng trại, khu nuôi nhốt gia súc, gia cầm bằng vôi bột, thuốc khử trùng; thu gom phân, nước thải trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, huyện Đăk Hà chú trọng quản lý các hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, qua đó, phát hiện, ngăn chặn, xử lý những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh dịch bệnh lây lan làm ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.

Huyện Đăk Glei xác định, chăn nuôi gia súc là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn. Vì vậy, thời gian qua, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ, vận động người dân khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên phát triển chăn nuôi gia súc. Đến nay, tổng đàn gia súc của toàn huyện có khoảng 31.500 con; trong đó, đàn trâu có trên 3.970 con, đàn bò là 12.515 con và đàn heo là 15.015 con.

Để đàn vật nuôi phát triển ổn định, hạn chế các rủi ro, huyện Đăk Glei chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân không thả rông gia súc, làm chuồng trại nuôi nhốt, tận dụng các diện tích đất trống, chân ruộng thiếu nước tưới để trồng cỏ, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc; chủ động tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng với chính quyền các xã, thị trấn tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi nhằm phát hiện sớm những ổ bệnh phát sinh để kịp thời phòng, chống, không để lây lan ra diện rộng.

Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh không bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm; chỉ xảy ra một số ổ dịch nhỏ lẻ, rải rác tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Đăk Glei. Tuy nhiên, các ổ dịch đều được phát hiện sớm và khống chế kịp thời nên không gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Tính đến hết đến tháng 5/2024, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh hiện có 285.156 con; trong đó, đàn trâu đạt 24.192 con, đàn bò là 86.579 con, đàn heo là 174.385 con. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 1,9 triệu con gia cầm các loại.

Để duy trì được kết quả chăn nuôi, đảm bảo hoàn thành mục tiêu phát triển đàn gia súc trên địa bàn tỉnh năm 2024 đạt 317.600 con, trong đó, đàn trâu là 25.000 con, đàn bò là 100.000 con và đàn heo là 192.600 con; việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi càng được ngành Nông nghiệp và các địa phương chú trọng hơn.

Thực tế cho thấy, để việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt được hiệu quả cao nhất, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện, tuân thủ đúng quy trình phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo và hướng dẫn của ngành chức năng.

Thiên Hương


Nguồn:https://baokontum.com.vn/kinh-te/chu-dong-phong-chong-dich-benh-de-bao-ve-dan-vat-nuoi-41238.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 74
Hôm qua : 719
Năm 2024 : 121.280
Năm trước : 296.797
Tổng số : 708.587