SẢN XUẤT LÚA GẠO ĐỎ THEO HƯỚNG TỰ NHIÊN
Lúa gạo đỏ là giống lúa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon PLông nói chung, đồng bào Xê Đăng xã Măng Bút nói riêng và là một trong những sản phẩm đặc trưng của xã Măng Bút.
Sở dĩ gạo đỏ nơi đây được coi là mặt hàng đặc sản vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, sản phẩm thuần khiết từ tự nhiên, chất lượng tốt. Giống lúa này mỗi năm chỉ cấy được một mùa, việc gieo trồng được bà con thực hiện bắt đầu từ tháng 2-3, người dân xuống giống gieo mạ khoảng 30-45 ngày, bà con tiến hành cấy lúa (Thời gian sinh trưởng và phát triển của cây lúa khoảng 6 – 7 tháng) đến tháng 9-10 là thu hoạch. Năng suất trung bình của lúa gạo đỏ đạt khoảng 30-35 tạ/ha.
Quá trình chăm sóc từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch, cất giữ và sử dụng đều được người dân thực hiện bằng phương pháp thủ công; cây lúa sinh trưởng và phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên; nước trời và dinh dưỡng từ bùn đất, nên cho dù hạt gạo khi nấu thành cơm không thơm, dẻo như các giống gạo trắng gieo cấy dưới vùng đồng bằng, nhưng rất đảm bảo về an toàn thực phẩm, có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao.
Khai thác, phát huy lợi thế mà thiên nhiên ban tặng với với độ cao hơn 1.100 m so với mặt nước biển, nguồn nước luôn mát lạnh và được che chắn là những cánh rừng già đại ngàn, bà con Xê Đăng ở xã Măng Bút đã gìn giữ, phát triển sản xuất giống lúa gạo đỏ.
Năm 2020, được sự quan tâm phối kết hợp của các ban ngành địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum đã tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật sản xuất lúa gạo đỏ gắn liền với thương hiệu Gạo đỏ Măng Đen” cho bà con trên địa bàn xã Măng Bút. Đến nay diện tích lúa nước gieo trồng đã mở rộng từ 2 thôn (Tu Nông, Đăk Pông) phát triển ra 6 thôn (Tu Nông, Đăk Pông, Đăk Lanh, Đăk Niêng, Đăk Y Bay và Văng Loa) trên địa bàn xã.
Giờ đây gạo đỏ Măng Bút từ chỗ là lương thực truyền thống, chỉ bó hẹp trong căn bếp của mỗi gia đình đồng bào Xê Đăng ở xã vùng cao đang từng bước trở thành loại hàng hoá có giá trị, được thị trường ưa chuộng và mang thương hiệu đặc trưng của vùng xứ lạnh, làm nên sản phẩm OCOP của địa phương ./.
Trung tâm Khuyến nông