A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiểm tra tình hình bọ cánh cứng hại cà phê tại huyện Đăk Hà

Ngày 16/8, Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đồng chí Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình họ hũ (bọ cánh cứng) gây hại trên cây tại huyện Đăk Hà; tham gia cùng đoàn có đồng chí Đặng Xuân Tuyến - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 704, các cơ quan chuyên môn của huyện.

Đ/c Vũ Văn Tân, Đội trưởng đội 1 - Công ty TNHH MTV Cà phê 704 đang trình bày quá trình gây hại của bọ cánh cứng

Theo báo cáo, hiện nay bọ cánh cứng gây hại trên cây cà phê thời kỳ kiến thiết cơ bản tại huyện Đăk Hà là 78,8 ha, tỷ lệ gây hại từ nhẹ đến trung bình 56 ha; gây hại nặng: 22,8 ha. Trong đó diện tích bị hại của Công ty TNHH MTV Cà phê 704 là 59,3 ha (gồm: 35,3 ha đã xử lý trồng dặm; 7,5 ha chết hoàn toàn nhưng chưa trồng lại do chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả; 16,5 ha đang bị gây hại); Công ty TNHH MTV Cà phê Đăk Uy 02 ha; thị trấn Đăk Hà 1,5 ha; xã Đăk Ngọk 16 ha (tỷ lệ thiệt hại 25-30%).

Bọ cánh cứng có khả năng gây hại mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cà phê, nếu mật độ bọ cánh cứng ở mức cao, chúng ăn trơ trụi lá, cây không ra được đọt mới; khi gây hại tái phát nhiều lần dẫn tới cây khô và chết. 


Ban ngày bọ cánh cứng chui xuống đất, ban đêm bò lên cây gây hại cây cà phê

Qua đó, Đoàn kiểm tra cũng đề nghị UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo cơ quan chuyên phối hợp UBND các xã, thị trấn, các Công ty có Cà phê, người dân  tổ chức phòng trừ bọ cánh cứng trên cây cà phê bằng các biện pháp tổng hợp như:

1. Tăng cường công tác điều tra tình hình bọ cánh cứng trên cây cà phê nhằm phát hiện sớm và chủ động phòng trừ.

2. Khuyến cáo nông dân, các công ty sản xuất cà phê chăm sóc tốt vườn cây, giúp cây sinh trưởng, phát triển mạnh tăng khả năng chống chịu các loại sâu bệnh hại.

3. Trong quá trình canh tác phải thường xuyên vệ sinh vườn cây và dọn phát dọn sạch cây, cỏ bờ lô để hạn chế nơi trú ẩn của bọ cánh cứng.

4. Đối với con trưởng thành, do loài này là đối tượng di chuyển và phá về ban đêm cho nên đòi hỏi phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, đồng loạt trên nhiều diện tích. Dùng các loại thuốc  BVTV có vị độc hấp thụ qua đường miệng phun lên lá để diệt bọ trưởng thành. Đối với ấu trùng dùng các loại thuốc xử lý đất để diệt; đối với vùng trồng mới nên dọn tàn dư thực vật và xử lý đất trước khi trồng (các loại thuốc xử lý phải nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên cây cà phê). Có thể sử dụng một trong các loại thuốc hóa học thuộc nhóm hoạt chất sau để phòng trừ theo hướng dẫn trên nhãn thuốc, cụ thể:

+ Nhóm thuốc có hoạt chất Diazinon  như: thuốc Diazan 10GR, 40EC; thuốc Vibasu 5GR, 40EC; thuốc Basitox 5GR, 40EC;….).

+ Nhóm thuốc có hoạt chất Fenobucar 300g/l +  Phenthoat 450g/l như: thuốc Hopsan 75EC; thuốc  Abasa 755EC.

+  Nhóm thuốc có hoạt chất Thiathoxam như: thuốc Actara 25WG, …

5. Ngoài ra, đối với giai đoạn trồng mới có thể dùng bao, lưới để bao cây cà phê hoặc sử dụng luôn bầu của cây giống cà phê làm bầu bao.

6.  Để đạt hiệu quả cao, nên sử dụng thuốc vào buổi chiều tối khi bọ cánh cứng hoạt động mạnh; phun thuốc trừ sâu kết hợp với chất bám dính để tăng hiệu lực của thuốc; phát động bà con nông dân nên phun thuốc đồng loạt để hạn chế sự di chuyển của chúng từ lô này sang lô khác; phun nhắc lại lần 2 khi bọ cánh cứng xuất hiện trở lại.

Hà Thị Mai Hương


Tác giả: Sở NN & PTNN KonTum
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
DANH MỤC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 39
Hôm qua : 264
Năm 2024 : 160.865
Năm trước : 296.797
Tổng số : 748.172