Sự đổi mới trong quảng bá thương hiệu sản phẩm với tem điện tử truy xuất nguồn gốc trên nhãn sản phẩm của Hợp tác xã Ngọc Linh
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng không thể phủ nhận trong mọi lĩnh vực, kể cả trong ngành nông nghiệp. Tại tỉnh Kon Tum, việc áp dụng công nghệ số vào kinh doanh sản phẩm đảng sâm đang thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Hợp tác xã Ngọc Linh, tại xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã bước đầu thành công trong việc áp dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc và nhãn mác để quảng bá sản phẩm của mình.
Sự đổi mới khi ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc đã mang lại hiệu quả bước đầu cho hợp tác xã này trong việc nâng cao mức độ tin cậy của khách hàng. Tem điện tử truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nhãn mác được thiết kế bắt mắt, phản ánh đặc điểm riêng của sản phẩm và thương hiệu của hợp tác xã.
Năm 2023 với sự hỗ trợ của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản tỉnh Kon Tum, Hợp tác xã Ngọc Linh đã mạnh dạn bổ sung tem truy xuất nguồn gốc và nhãn mác sản phẩm của mình.
Ông A Thông, giám đốc Hợp tác xã Ngọc Linh, chia sẻ: "Từ trước đến nay việc kinh doanh sản phẩm Đảng sâm của Hợp tác xã vẫn áp dụng phương pháp truyền thống trong sản xuất, sơ chế và tiếp thị. Sản phẩm làm ra luôn đối mặt với áp lực từ sản phẩm giả mạo và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Việc áp dụng tem điện tử và nhãn mác đã giúp chúng tôi tiếp cận được nhiều thị trường mới và tăng cường uy tín cho sản phẩm".
Hình ảnh: Sản phẩm Đảng sâm khô của Hợp tác xã Ngọc Linh
Hình ảnh: Một phần thông tin khi quét mã QR trên nhãn sản phẩm
Ngoài ra trong quá trình sơ chế sản phẩm Hợp tác xã đã sử dụng máy sấy để chủ động trong việc bảo quản sản phẩm, giảm phụ thuộc vào thiên nhiên khi mùa mưa trên địa bàn thường kéo dài.
Hình ảnh: Máy sấy Đảng sâm của Hợp tác xã Ngọc Linh
Để duy trì và phát triển sản phẩm của hợp tác xã, ông A Thông thường xuyên tuyên truyền đến các thành viên về qui trình trồng, sơ chế, cho ra sản phẩm Đảng sâm an toàn, chất lượng đồng thời hướng dẫn cách áp dụng công nghệ để tăng kết nối và nâng tầm thương hiệu sản phẩm cho hợp tác xã.
Với sự đổi mới này, hợp tác xã đã dần khẳng định vị thế của mình trong ngành nông nghiệp và dược liệu, quảng bá sản phẩm đặc thù của xã, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum./.
Đặng Quốc Oai
Phòng Quản lý Chất lượng và Thương mại Nông sản,
Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản.